Tết, giữa những miền thời gian

Cảm giác háo hức nhất của con người trong khoảng thời gian năm cũ chuyển sang năm mới là gì? Câu trả lời chỉ vẻn vẹn đóng gói trong hai chữ “Ăn Tết”. Hai từ này biểu trưng cho hành vi truyền thống của người Việt trong ngày Tết Nguyên đán cổ truyền. Kể cả trong miền thời gian hiện đại, khi người ta muốn “Chơi Tết”, “Hưởng Tết” hơn, thì hai chữ “Ăn Tết” vẫn đóng vai trò xương sống, chủ đạo.
0:00 / 0:00
0:00
Khách tham gia workshop “Lễ tiễn ông Công ông Táo - Tục bao sái bàn thờ - Mâm cơm tất niên” say sưa khám phá mâm cỗ tất niên truyền thống Hà Nội. Ảnh: TGCC
Khách tham gia workshop “Lễ tiễn ông Công ông Táo - Tục bao sái bàn thờ - Mâm cơm tất niên” say sưa khám phá mâm cỗ tất niên truyền thống Hà Nội. Ảnh: TGCC

Thật đáng ngạc nhiên, từ “Ăn” là một từ có nhiều nghĩa và nhiều cách sử dụng nhất trong ngôn ngữ của người Việt. Thống kê nhanh trong từ điển Tiếng Việt, có xấp xỉ 100 ngữ nghĩa và cách dùng. Đó là chỉ dấu cho thấy người Việt coi trọng việc “Ăn” hơn tất thảy, bởi người dân ở thời đại nào cũng “dĩ thực vi tiên/thiên”, coi miếng ăn là thứ đầu tiên hay là trời.

Chính vì thế, Tết Nguyên đán theo lịch con trăng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước của Á Đông - diễn ra từ ngày mồng một tháng Giêng cho đến hết ngày mồng ba tháng Giêng - được coi là lễ tiết quan trọng nhất, vừa tiễn một năm cũ đã cùng tận, vừa đón một “nguyên đán” mới mẻ, khởi đầu cho một vòng lặp thời gian: Xuân sinh - Hạ trưởng - Thu liễm - Đông tàng.

Trong lễ tiết tối quan trọng đó, hành vi “Ăn Tết” của người Việt được thực hành, tạo ra một chuỗi nghi thức gắn liền với báo đáp, thụ hưởng có liên quan đến đệ nhất tứ khoái là ăn. Từ lễ cúng ông Công - ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, đến mâm cỗ cúng tất niên vào ngày 30 tháng Chạp, rồi mâm cỗ cúng tân niên vào ngày mồng một tháng Giêng, cho đến mâm cỗ cúng hóa vàng trong ngày mồng ba tháng Giêng.

Tết, giữa những miền thời gian ảnh 1
Xôi gấc - một trong những món cổ truyền thường được chọn dâng cúng trong những dịp lễ tết quan trọng. Ảnh: TGCC

Khái niệm “ba ngày Tết” được hình ảnh hóa qua những mâm cỗ cúng và việc gia đình sum vầy, quần tụ để thụ hưởng những mâm cỗ cúng đó. Rồi tùy tập lệ từng nơi, chuỗi nghi thức đó có thể kéo dài đến mâm cỗ cúng hạ nêu trong ngày mồng bảy tháng Giêng hay mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng để truyền tải tinh thần “lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”.

Rõ ràng, phạm trù “Ăn Tết” của người Việt rất rộng, không chỉ gói gọn trong việc nấu những món ăn ngon, soạn những mâm cỗ linh đình để ăn uống. Nó được mở rộng tới trước khoảng thời gian của tháng Chạp bận rộn, tối mắt tối mũi cho đến tháng Giêng, có khi là cả tháng bởi “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Người Việt đã “Ăn Tết” từ nghìn xưa và duy trì truyền thống đó cho đến tận thiên niên kỷ thứ ba này, cho dù trong khoảng hơn 20 năm nay trở lại đây, lề thói, phong cách cũng đã thay hương đổi vị bởi sự chuyển đổi mạnh mẽ của cơ cấu kinh tế từ trọng nông sang trọng thương. Đời sống sung túc hơn cũng làm ẩn đi vai trò của chữ “Ăn” trong ngày Tết.

Song, những thứ đã tồn tại xuyên suốt hàng nghìn cái Tết Nguyên đán không dễ gì bị hòa tan, mai một. Cứ nhìn sự vận động trong đời sống và sự quan tâm của nhân dân trong những ngày tháng Chạp giáp Tết là rõ được cái mạch sống mạnh mẽ của tập tục “Ăn Tết”.

Những bà nội trợ sẽ tự nhiên cảm thấy mình tất bật vào tháng Chạp, chỉ muốn có thêm tay chân mà xoay xở hay mong ngày tháng Chạp dài hơn để đủ thời gian mà lo toan. Vẫn cứ là gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong để truyền nối tục làm bánh chưng cúng trời đất của Lang Liêu. Vẫn cứ là măng khô, bóng bì, mộc nhĩ, nấm hương, thịt thà, cá mú, gia vị để nấu bát canh bóng thả hay bát canh măng thì mới ra tinh thần của mâm cỗ Tết.

Tết, giữa những miền thời gian ảnh 2
Hương vị cổ truyền ngày xuân. Ảnh: TGCC

Sự tất bật lo lắng để có cái Tết no đủ đó không chỉ nằm ở thực phẩm, nấu nướng, cỗ bàn theo tinh thần cũ là “giàu nghèo cũng phải có thịt treo đầy nhà trong ba ngày Tết” mà còn là ở việc sửa sang nhà cửa cho tinh tươm sạch sẽ, sắm sửa quần áo, đồ dùng mới để sử dụng vào ngày Tết, hay lên những kế hoạch chơi Tết thưởng xuân…

Vốn dĩ, tất cả những thứ đó đều nhằm phục vụ mục đích của việc “Ăn Tết”. Nhà cửa khang trang, dung mạo tươi tắn, y phục đẹp đẽ sẽ giúp cho miếng ăn ngày Tết trở nên ngon lành hơn, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu cũng thấy mát lòng, mát dạ hơn, hay khách khứa, họ hàng đến chúc Tết cũng thấy trang trọng, thanh nhã.

Đúng là bây giờ người Việt không còn đau đáu vì miếng thịt, miếng cá của ngày Tết nữa, vì như đã nói đời sống sung túc lên, nguồn thực phẩm dồi dào, phong phú gấp bội khiến cho miếng ăn thường nhật cũng sang trọng chẳng kém gì mâm cơm Tết. Nhưng mà, chúng ta vẫn khao khát được ăn Tết.

Các bà nội trợ đã nhàn nhã lắm. Chẳng phải đôn đáo sắm Tết từ đầu tháng Chạp như xưa nữa. Có khi chỉ cần một ngày lượn chợ là đã có đủ vật phẩm phục vụ cho cả ngày Tết. Thậm chí cũng chẳng cần phải nấu nướng làm gì cho vất vả, nhấc điện thoại gọi, nhắn một tin là cỗ bàn cứ ùn ùn “ship” đến.

Chính vì thế, trọng tâm đã chuyển từ “Ăn Tết” sang “Chơi Tết” để chiều chuộng bản thân nhiều hơn. Thay vì khao khát được ăn ngon vào ngày Tết, sẽ là chuỗi ngày dài nghỉ ngơi cùng gia đình hoặc đi du ngoạn thưởng vị Tết xa, tùy theo điều kiện kinh tế và nhu cầu cá nhân.

Thế nhưng, điều kiện kinh tế vật chất càng sung túc thì nên chăng càng phải giữ mạch nguồn. Cho dù con trẻ không thích bánh chưng bằng hamburger thì vẫn cứ phải gói bánh chưng để con trẻ biết hình dung của truyền thống, của đạo lý trời tròn - đất vuông mà cha ông đã bao đời truyền dạy. Mình cũng lơ là thì con trẻ biết nhìn vào đâu để tiếp nối.

Do vậy, những bà nội trợ vẫn cứ phải là nhân tố chủ chốt trong việc kiến tạo Tết Nguyên đán truyền thống của người Việt. Vừa gói bánh chưng, nấu canh bóng thả vừa đặt mua những món ngon tứ phương. Truyền thống vẫn cứ làm xương sống để hiện đại trổ cành lá, mới thực là tân cựu giao hòa, nếp nhà khang thịnh.

Những người phụ nữ của ngày hôm nay tay thoăn thoắt thái đùi heo muối Tây Ban Nha cùng pho mát và những đồ ăn nguội để làm một mâm “cold-cut” cho gia đình nhâm nhi nhưng cũng vẫn miệt mài tham dự các buổi trao đổi, tìm hiểu về cách nấu ăn truyền thống với canh bóng thả, mắm rươi hay cách thái thực phẩm để làm nem, gỏi, cuốn hoặc cách sử dụng rau gia vị.

Tinh thần “Ăn Tết” của người Việt rất mãnh liệt, giống như phong khí của mùa Xuân làm đào bật đó, làm lộc lên xanh, làm những khoảnh khắc Giao thừa trở nên linh thiêng tột độ. Cắt đứt những giá trị đó khỏi Tết Nguyên đán, cái Tết sẽ nhạt nhẽo vô cùng, khiến nhiều người hoang mang khi “hết Tết từ đêm ba mươi”.

Là người thường tổ chức những buổi chia sẻ kiến thức về ẩm thực truyền thống đó, tôi nhận thấy rằng, cánh chị em vẫn mặn mà với nét tinh hoa trong nét ăn, nết uống của dân tộc lắm. Đấy thật sự là điều đáng mừng, bởi tinh thần “Ăn Tết” đã ngấm vào rất sâu trong mã gien của người Việt.

Có đôi lúc chúng ta hoảng hốt khi thấy lớp người trẻ ăn Tết một cách hời hợt, hay chạy theo xu hướng phương Tây, Hàn Quốc, Nhật Bản này nọ. Nhưng chớ có lo, vị mặn mòi của mắm muối vẫn là thấm đượm trong huyết quản lớp người trẻ. Đấy là những chủng tử đã gieo mầm, chỉ cần đợi một ngày nào đó, xuân phong phơi phới là lại hăng hái muối hành, nén dưa để ăn cùng bánh chưng và thịt đông mà thôi.

Bởi Tết Nguyên đán là một vòng lặp, và tục “Ăn Tết” của người Việt cũng là một vòng lặp được truyền nối vô cùng.

Tết, giữa những miền thời gian ảnh 3

Nhà báo Vĩnh Quyên (bên phải) chia sẻ tại workshop “Lễ tiễn ông Công ông Táo - Tục bao sái bàn thờ - Mâm cơm tất niên”. Ảnh: TGCC