Những nỗi lo xa

Ông Trượng Đến, 67 tuổi, người cao tuổi nhất trong nhóm thợ đến từ Làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận, tham gia sửa chữa ngôi nhà truyền thống của đồng bào Chăm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nói trong nỗi xúc động xen lẫn vui mừng khi công việc hoàn thành, rằng ông rất thích được ở lại trong căn nhà “đúng kiểu của cha ông mình”.
0:00 / 0:00
0:00
Đội thợ gồm ba thế hệ đến từ Làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận, tham gia sửa nhà Chăm truyền thống, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tháng 12/2024. Nguồn: VME
Đội thợ gồm ba thế hệ đến từ Làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận, tham gia sửa nhà Chăm truyền thống, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tháng 12/2024. Nguồn: VME

Ngày càng hiếm những mái nhà truyền thống

Cũng như ông Đến, các nghệ nhân khác trong nhóm tham gia sửa chữa ngôi nhà Chăm và đội văn nghệ cộng đồng của Làng gốm Bàu Trúc đều bày tỏ niềm vui khi được góp công sức tu sửa lại kiểu nhà truyền thống của dân tộc mình, với sàn gỗ, vách gỗ, khung chắn phía trước hiên, tường đất, mái tranh… Khuôn viên bao gồm bảy nếp nhà khác nhau, như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đang gìn giữ và phát huy giá trị, có lẽ là một điều thật sự hiếm hoi, kể cả ở các địa phương đang có đông đồng bào người Chăm sinh sống như Ninh Thuận, Bình Thuận hiện nay.

Theo ông Đàng Chí Quyết (53 tuổi, Trưởng ban Quản lý Du lịch cộng đồng Làng gốm Bàu Trúc), do tiến trình đô thị hóa và di dân tự nhiên, ngôi nhà của người Chăm có rất nhiều thay đổi. Bê-tông, cốt thép, mái ngói, nhà tầng ngày càng phổ biến. Vật dụng trong gia đình, nhất là căn bếp của người Chăm cũng hiện đại hơn.

Thực tế này, một mặt cho thấy sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội địa phương, mặt khác, dẫn đến vấn đề, ngày càng thiếu vắng dần những nghệ nhân, người thợ thuần thục các kỹ thuật dựng nhà truyền thống của người Chăm.

“Trăm hay không bằng tay quen”

Theo Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, để có thể hoàn thành việc sửa chữa khuôn viên nhà Chăm truyền thống trong một tháng, Bảo tàng phải chuẩn bị mọi thứ từ đầu năm. Một trong những vấn đề phức tạp là việc đặt mua cỏ tranh đạt chất lượng, phơi khô, vận chuyển đến chân công trình. “Chúng tôi phải tìm cách gom từ các gia đình bà con ở khu vực biên giới Việt Nam-Lào, mỗi nhà một vài chục kilogram”, ông Quang nhớ lại. Vấn đề này cũng tương tự như khi sửa chữa căn nhà dài của đồng bào Ê Đê, năm 2023, tại Bảo tàng; mái nhà có chiều dài hơn 40 mét, bề rộng sàn khoảng 6 mét, tốn gần 20 tấn cỏ tranh.

Điều đáng nói hơn cả là kỹ thuật lợp mái, từ đan tranh (kết thành các tấm cỏ tranh có chiều dài, rộng nhất định, nẹp buộc bằng các thanh tre, nứa), đến ràng buộc các đầu mối của bộ khung mái nhà sao cho thật đều, đẹp… là kỹ thuật truyền tay, truyền miệng theo lối dân gian. “Trăm hay không bằng tay quen”, người thợ làm nhà thường xuyên, liên tục theo thời gian sẽ dần tích lũy kinh nghiệm và khả năng biến hóa, để mỗi nếp buộc dây có thể đẹp như nét hoa văn, cả mái nhà không chỉ dày dặn để chống nắng mưa mà còn đều tăm tắp đến thích mắt. Được biết, đến kỳ sửa chữa tháng 12/2024 vừa qua, chỉ có khoảng một phần ba số người trong đội thợ sửa nhà truyền thống của người Chăm giàu kinh nghiệm, còn lại là lớp con, cháu đang học hỏi dần.

Ông Quang không giấu sự lo lắng về kỳ sửa tiếp theo: “Định kỳ sửa chữa một căn nhà truyền thống lưu giữ tại Bảo tàng là khoảng 7-10 năm. Theo thời gian, mức độ khó khăn về nhiều phương diện, từ nguyên vật liệu để bảo đảm đúng đặc trưng ngôi nhà truyền thống đến nhân công thuần thục kỹ thuật dựng… đều tăng lên”. Quan điểm của Bảo tàng là việc tu sửa căn nhà truyền thống của tộc người nào phải do chính bà con thuộc tộc người đó thực hiện, như vậy, mới có thể làm tốt nhất về kỹ thuật cũng như phả vào đó tinh thần, hồn cốt cho ngôi nhà. “Chúng tôi có thể tìm thuê nhân công khác với chi phí thấp hơn nhiều nhưng đó không phải là phương pháp bảo tồn đúng đắn của dân tộc học”, ông Quang bày tỏ.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng gặp khó khăn tương tự trong việc tu sửa một số nhà truyền thống đặc sắc khác theo phương pháp dân tộc học, như nhà dài của người Ê Đê, nhà rông của người Ba Na (dự kiến sẽ tu sửa trong năm nay). Hiện tại, có 10 khu nhà truyền thống của các tộc người khác nhau trong Vườn kiến trúc của Bảo tàng.

Một trong những giải pháp trước mắt được một số chuyên gia gợi ý là việc lưu giữ thông tin, tư liệu về kỹ thuật dựng nhà truyền thống của các dân tộc theo nhiều phương pháp, bao gồm tư liệu văn bản, hình ảnh, ghi âm và ghi hình quá trình dựng lại nhà của đồng bào, để thế hệ sau có điều kiện học hỏi, dẫu không được “cầm tay chỉ việc”.

Hy vọng rằng, với điều kiện trang thiết bị và bảo quản dữ liệu tốt cùng với thực thể là các ngôi nhà do bà con chung tay xây cất nên, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ lưu giữ lâu dài được những nguyên mẫu kiến trúc nhà truyền thống của Việt Nam, cùng những kiến thức, kỹ thuật đặc sắc mà ông cha ta đã dày công tạo dựng qua nhiều thế hệ, trao truyền lại cho hậu thế ■