Nỗ lực học hỏi và tự tin bước tiếp

Trước thềm xuân mới, Nhân Dân cuối tuần ghi nhận ý kiến của một số người trẻ về trải nghiệm năm vừa qua của họ trong lĩnh vực thuộc vào công nghiệp văn hóa. Có những thành công ban đầu được cộng đồng biết tới. Có những thử thách âm thầm được cất giấu trong “chiếc rương” bí mật của tình yêu nghề nghiệp. Tất cả hòa cùng hy vọng luôn chất chứa trong tâm hồn tuổi trẻ, tạo thành động lực để họ vững lòng hơn, hướng tới những thành công lớn hơn, ở phía trước.
0:00 / 0:00
0:00
Bức tranh của Vàng Hải Hưng, giải nhất - Festival Mỹ thuật trẻ năm 2024: “Mẹ tôi”, sơn dầu, 140x120 cm.
Bức tranh của Vàng Hải Hưng, giải nhất - Festival Mỹ thuật trẻ năm 2024: “Mẹ tôi”, sơn dầu, 140x120 cm.

Họa sĩ Vàng Hải Hưng: Sẽ tiếp tục học lên bậc cao học

Nỗ lực học hỏi và tự tin bước tiếp ảnh 1

Họa sĩ Vàng Hải Hưng.

2024 là một năm đáng nhớ trên hành trình nghề nghiệp của Vàng Hải Hưng, chàng trai dân tộc Giáy đến từ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Anh được trao Giải nhất, Festival Mỹ thuật trẻ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Bức tranh anh vẽ cùng các em nhỏ ở quê nhà Bát Xát, trong chương trình gây quỹ Gieo mầm thiện tâm của tập đoàn Vingroup, đã đạt mức đấu giá 1,3 tỷ đồng, đóng góp ý nghĩa vào việc hỗ trợ kiến thiết lại cơ sở vật chất cho bà con vùng cao bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3 (Yagi). Anh được chọn mời tham gia workshop quốc tế Hanoi Art Connecting, Trại sáng tác mỹ thuật do Bộ Công an tổ chức…

Nhìn lại thành công bước đầu ấy, Hưng không khỏi bùi ngùi nhớ đến “nhiều lúc mất động lực và cảm hứng sáng tác, thậm chí nghi ngờ về con đường mình chọn”. Khó khăn khi ở lại Thủ đô Hà Nội để lập nghiệp đối với Vàng Hải Hưng, có lẽ, nhiều khôn kể. Để duy trì việc kiếm sống, Hưng nhận làm gia sư, nhận hợp đồng, dự án liên quan đến việc vẽ, trang trí mỹ thuật cho một số tập đoàn, công ty. “Một họa sĩ trẻ mới ra trường (anh tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2020) không hề dễ dàng có được một việc làm ổn định. Đặc biệt, trong giai đoạn mà mọi thứ còn khó khăn như bây giờ, việc mua bán tranh cũng bị chậm hơn, không diễn ra thường xuyên và liên tục. Thỉnh thoảng, có cơ duyên với nhà sưu tập, tôi mới bán được một, hai bức”, anh bộc bạch.

Chính vì vậy, giải thưởng mỹ thuật trẻ ở cấp quốc gia, hoạt động trại sáng tác do các cơ quan đoàn thể phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, các hoạt động liên quan mỹ thuật do một số đơn vị khác tổ chức được xem là những cơ hội, điều kiện hỗ trợ quan trọng cho lớp nghệ sĩ trẻ như Vàng Hải Hưng, tiếp thêm động lực sáng tác cho họ.

Với riêng Vàng Hải Hưng, những trải nghiệm, va đập trong thời gian qua nuôi dưỡng ước mơ, làm sâu sắc hơn suy nghĩ trong anh về hành trình dài phía trước với mỹ thuật. Bước sang năm 2025, anh thấy “phải tự nhắc bản thân cố gắng hơn, làm việc và tập trung sáng tác nhiều hơn để mọi thứ được trả lời qua tác phẩm của chính mình!”.

Hội họa như là tình yêu và niềm vui cuộc sống của anh. Hội họa cũng là nơi anh có thể gửi gắm những nỗi buồn khổ, suy tư sâu thẳm, hay tâm tư không sao mô tả bằng lời nói. “Tôi không trông chờ gì đến việc phải nghĩ xem vẽ gì, như thế nào để dễ bán. Bởi nếu sáng tác thương mại như thế, tôi không còn là tôi nữa”, anh nhấn mạnh. Vàng Hải Hưng đã có kế hoạch học tiếp lên cao học trong thời gian tới.

Ca sĩ Hà Myo: Tìm kiếm cơ hội tại “sân chơi” âm nhạc quốc tế

Nỗ lực học hỏi và tự tin bước tiếp ảnh 2

Ca sĩ Hà Myo biểu diễn tại chương trình Cảm hứng Hò Dô. Ảnh: NVCC

Hà Myo thành danh nhờ sự sáng tạo dựa trên bộ môn nghệ thuật xẩm truyền thống hòa quyện những mầu sắc âm nhạc hiện đại, trẻ trung. Chị góp phần mang xẩm đến gần hơn khán giả trẻ hôm nay. Kiên định theo hướng đi này, nữ ca sĩ đang nỗ lực để vươn xa hơn đến những sân khấu có yếu tố quốc tế.

Năm 2024, Hà Myo giành Giải nhì- chương trình Cảm hứng Hò Dô, sự kiện thuộc khuôn khổ Festival âm nhạc quốc tế Hò Dô do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, quy tụ nghệ sĩ từ nhiều nơi trên thế giới. Được tham gia một sự kiện âm nhạc lớn như vậy là cơ hội để Hà Myo học hỏi từ các nghệ sĩ khác, qua đó mở rộng tầm nhìn đồng thời làm rõ nét phong cách âm nhạc của mình.

Nữ ca sĩ chú trọng xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá nhân đậm nét trên các nền tảng xuyên biên giới, như YouTube và TikTok. “Nhận thức rõ sự cạnh tranh khốc liệt trên truyền thông trực tuyến nhưng đó cũng là cơ hội để thể hiện sự khác biệt của mình, tôi sẽ đầu tư mạnh vào việc kể chuyện qua âm nhạc, tạo nên những nội dung có chiều sâu để chạm đến cảm xúc người nghe. Đồng thời, tôi và ekip sẽ tận dụng các công cụ phân tích của YouTube để tìm hiểu rõ hơn về thị hiếu khán giả và đưa ra chiến lược phù hợp”, chị chia sẻ về bước đi tiếp theo.

Hà Myo có niềm tin rằng, nhạc trẻ Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh công nghiệp văn hóa “được chú trọng”. Để Việt Nam phát huy hết thế mạnh trong lĩnh vực này, chị cho rằng: “Người trẻ cần thêm các hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức nhà nước, như hỗ trợ tài chính cho các dự án nghệ thuật độc lập”. Bên cạnh đó, theo chị, Nhà nước nên tiếp tục xây dựng nhiều hơn nữa các không gian trình diễn chuyên nghiệp và hiện đại, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế. Công tác đào tạo, tạo điều kiện để nghệ sĩ trẻ được học tập, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia quốc tế đồng thời cần được quan tâm nhiều hơn. “Quan trọng nhất là tạo ra môi trường làm nghề mà nghệ sĩ có thể tự do thể hiện cá tính và đam mê nghệ thuật, từ đó, họ mang đến cho khán giả những trải nghiệm đích thực, đáng nhớ”, chị nhấn mạnh.

Giám đốc Học viện Nhiếp ảnh Chimkudo Hùng Nguyễn: Giữ được năng lượng sáng tạo và liên tục đổi mới

Nỗ lực học hỏi và tự tin bước tiếp ảnh 3

Anh Hùng Nguyễn

“Khoảng 80% số lượng các dự án lớn nhất trong lĩnh vực quảng cáo nói chung là thuộc về các đại lý doanh nghiệp nước ngoài và chừng 50% phần còn lại do các doanh nghiệp nội địa hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh nắm giữ”, anh Hùng nhận định. Vì vậy, để tồn tại, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm quảng cáo nội địa cần phải cố gắng rất nhiều, tìm cách tận dụng lợi thế “sân nhà” cũng như cung cấp được sản phẩm chất lượng ở mức giá thành hợp lý với đa dạng gói dịch vụ.

Theo quan sát của anh, một điều thú vị là trong các ngành sáng tạo nói chung, nhiếp ảnh quảng cáo nói riêng ở nước ta hiện nay, rất nhiều nhân sự trẻ được gia đình đầu tư, tạo điều kiện tiếp xúc với văn hóa nghệ thuật từ khi còn nhỏ. Đây là một lợi thế của họ trong việc xây dựng ý tưởng sáng tạo có tính thẩm mỹ, giàu hàm nghĩa, gợi mở những điều tưởng chừng quen thuộc đối với “khách hàng của khách hàng” - chính là công chúng, đối tượng hướng đến của các nhà sản xuất. “Lĩnh vực này có sức hút lớn đối với các bạn trẻ bởi họ được “rơi” vào một môi trường đầy thử thách để chứng tỏ năng lực, cá tính sáng tạo”, anh Hùng chia sẻ. Bản thân anh Hùng, bên cạnh việc mua sách về văn học, mỹ thuật như là món ăn tinh thần hằng ngày, năm nào cũng có ít nhất một chuyến trở lại Italy, đất nước của âm nhạc, thi ca và hội họa, để được thấm trải những rung cảm thẩm mỹ lạ mà quen, làm tươi mới hơn các ý tưởng sáng tạo của mình.

Nỗ lực học hỏi và tự tin bước tiếp ảnh 4

Một sản phẩm ảnh quảng cáo cho thương hiệu quốc gia Vietnam Airlines của Học viện Chimkudo. Ảnh: NVCC

Sự phát triển của công nghệ, nhất là các thế hệ trí tuệ nhân tạo, hiện được xem là một “mối đe dọa” về việc làm đối với nhiều ngành công nghiệp văn hóa. Nhưng công nghệ, suy cho cùng, vẫn chỉ là công cụ. Cốt lõi thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh doanh sáng tạo vẫn chính là trí tuệ và cảm xúc của con người. Vì vậy, trong lĩnh vực này ở Việt Nam, một vấn đề lớn cần được cấp bách giải quyết là bảo hộ sở hữu trí tuệ. Anh Hùng cho rằng, việc quan trọng đầu tiên mà một đơn vị làm sáng tạo cần chuẩn bị là đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu của mình. Tiếp theo là việc chuẩn hóa toàn bộ các quy trình vận hành doanh nghiệp. “Công cụ còn lại chính là nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tạo để liên tục đổi mới sản phẩm, tất cả dựa trên nền tảng dày dặn về tri thức văn hóa nghệ thuật”, anh Hùng kết luận.