Điểm đến mới của du lịch sáng tạo

Hào hứng bỏ tiền để được… chăn vịt, tuốt lúa, hái chè. Hào hứng đặt tour để được tự tay sáng tạo những món đồ thủ công độc bản. Có thể nói, sự hào hứng lựa chọn những sản phẩm du lịch sáng tạo đậm dấu ấn nông thôn Việt Nam thời gian gần đây đã biến loại hình này trở thành từ khóa nổi trội trong xu hướng tìm kiếm của du khách quốc tế, trên hành trình khám phá dải đất hình chữ S xinh đẹp.
0:00 / 0:00
0:00
"Một ngày làm nông dân” của du khách tại làng rau Trà Quế, “Làng du lịch tốt nhất thế giới” được Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc vinh danh năm 2024. Ảnh: Nam Thịnh
"Một ngày làm nông dân” của du khách tại làng rau Trà Quế, “Làng du lịch tốt nhất thế giới” được Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc vinh danh năm 2024. Ảnh: Nam Thịnh

“Chịu chi” để được “lấm lem”

Đến Trung tâm gốm Lò Bầu, nơi duy nhất còn lưu giữ được chiếc lò bầu truyền thống đã từng song hành cùng nghề gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội cả trăm năm qua, du khách sẽ được ghé thăm Bàn Xoay Studio, tham gia chương trình trải nghiệm “Tôi làm nghệ nhân”. Họ trực tiếp nhào đất rồi tạo hình, trang trí, đưa sản phẩm vào lò nung, đợi trong hào hứng sẽ được mang sản phẩm về nhà với mức phí dịch vụ tổng cộng 100 nghìn đồng.

Anh Lương Mạnh Hải, quản lý Trung tâm cho biết, vào dịp cuối tuần, Trung tâm tiếp đón tới 500 lượt khách mỗi ngày cuối tuần, nhiều gấp khoảng 6-7 lần so ngày thường. Tuy không phải là địa điểm đi tiên phong nhưng đến nay, có thể nói, Lò Bầu là mô hình thành công bậc nhất, khi lồng ghép câu chuyện lịch sử chiếc lò nung gốm tưởng như đã thất truyền (đốt bằng củi, gồm 5 bầu với vòm cuốn liên tiếp như vỏ sò úp nối nhau) với giấc mơ một lần thử làm nghệ nhân của du khách.

Nếu có dịp tới làng nghề sơn mài truyền thống Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, “Dũng Dị Studio” của họa sĩ nổi tiếng Trần Công Dũng là một địa chỉ mà du khách khó có thể bỏ qua. Lâu nay, hầu như ngày nào, anh cũng cập nhật hình ảnh khách quốc tế cặm cụi chinh phục thử thách gắn vỏ trứng, vui mừng khoe thành phẩm đĩa sơn mài tự làm trên trang Facebook cá nhân. Cái bắt tay nồng ấm với một đơn vị lữ hành đã mang tới Studio của anh khoảng 300-400 lượt khách mỗi tháng, góp phần quảng bá “nghệ thuật sơn mài - một bí quyết kỳ diệu từ truyền thống văn hóa Việt Nam”.

Giải thưởng World Travel Award lần thứ 5 vinh danh Việt Nam là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” đồng thời giành bộ ba danh hiệu “Điểm đến/điểm đến di sản/điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”.

Những “ông tây, bà đầm” không giấu vẻ lúng túng nhưng rất thích thú gánh gồng đôi bình tưới, mướt mát mồ hôi cuốc đất, trồng rau trong trải nghiệm “một ngày làm nông dân”, để rồi sau đó học cách hái rau và nấu mì Quảng, đổ bánh xèo… Dịch vụ này góp phần quan trọng mang lại vẻ sống động cho làng rau Trà Quế, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trà Quế có nghề trồng rau theo phương thức hữu cơ truyền thống, độc đáo và hình thành từ thế kỷ 17, được ghi danh trong danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” (thuộc loại hình tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống). Việc gìn giữ và phát huy nghề truyền thống này kết hợp dịch vụ du lịch tại chỗ đã đưa nơi đây trở thành điểm đến đặc biệt yêu thích của du khách quốc tế. Năm 2024, Trà Quế được UN Tourism vinh danh “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2024”.

Không chỉ ưu tiên trải nghiệm sáng tạo nơi làng nghề truyền thống, du khách nước ngoài giờ rất háo hức bỏ tiền cho những trải nghiệm lao động chân tay vất vả, lấm lem nhưng mới mẻ, lạ lẫm mà họ không có điều kiện thử thách trong môi trường sống quen thuộc. Thậm chí, những yếu tố tiêu cực nhất của điều kiện tự nhiên-xã hội cũng có thể biến thành ưu thế, nếu biết xây dựng sản phẩm một cách sáng tạo, thông minh. Như Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, là “Làng du lịch tốt nhất thế giới 2023” cùng ý tưởng “biến bão lụt miền trung thành sản phẩm du lịch” của Liên hiệp khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe). Nơi đây đã trở thành hình mẫu ấn tượng cho du lịch thích ứng thời tiết, khi biến những trận bão lũ đe dọa hằng năm trở thành thỏi nam châm thu hút khách trải nghiệm.

Mỏ vàng với trữ lượng vô tận

Du lịch sáng tạo (creative tourism) là loại hình mà du khách có cơ hội phát triển tiềm năng sáng tạo thông qua các trải nghiệm, tìm hiểu tại điểm đến và có sự kết nối với người dân địa phương. Loại hình này cung cấp những hoạt động đa dạng cho du khách, nhờ phát huy tối đa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng sở tại.

Trong thực tế, du lịch sáng tạo dễ bị nhầm lẫn với du lịch trải nghiệm (experimental tourism) bởi cả hai đều đề cao yếu tố tương tác với cư dân địa phương. Tuy nhiên, du lịch trải nghiệm là quá trình tiếp nhận một cách thụ động, chỉ tập trung vào các hình thức cùng sinh hoạt, cùng lao động… với người dân chứ không quan tâm nhiều tới việc học hỏi cộng đồng địa phương. Trong khi đó, du lịch sáng tạo là quá trình chủ động khám phá và học hỏi, du khách không chỉ là người thụ hưởng mà còn đồng sản xuất sản phẩm du lịch mình trải nghiệm.

Du lịch sáng tạo khai thác giá trị của tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống của người dân bản địa nên rất khó sao chép, “nhân bản” ở địa phương khác, do đó, đem lại trải nghiệm riêng có cho du khách. Điều này cũng tạo điều kiện cho những vùng đất không có lợi thế về địa lý và tự nhiên có thể thu hút khách du lịch bằng những giá trị về lịch sử và văn hóa cũng như khả năng đổi mới để tạo nên trải nghiệm đặc biệt cho du khách.

Có thể nói, từ đặc sản vùng miền, tinh hoa ẩm thực, tín ngưỡng bản địa đến nghề thủ công, kho tàng truyện kể dân gian, phương thức sản xuất canh tác…, chỉ cần quan sát chung quanh, đào sâu tìm tòi, mở rộng biên độ là có thể cho ra đời một sản phẩm độc đáo, riêng có, không thể trộn lẫn.

Ý tưởng “vui chơi ra sản phẩm” của họa sĩ Trần Công Dũng đã góp phần tạo tiền đề ra đời một sản phẩm độc đáo, chuyên chở hy vọng thúc đẩy phát triển du lịch tại làng nghề sơn mài truyền thống Hạ Thái. Tour du lịch Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái đã mở ra cơ hội đưa khách quốc tế về với hai làng nghề nổi tiếng trong xã: Làng Hạ Thái với nghề sơn mài thủ công truyền thống và làng Phúc Am có nghề làm đồ vàng mã. Gói gọn trong một buổi chiều, du khách được giới thiệu kỹ thuật và nghệ thuật đã làm nên hai thương hiệu nghề thủ công này, tham dự workshop, tham quan xưởng sản xuất, không gian trưng bày sản phẩm và trải nghiệm một vài công đoạn hấp dẫn nhất trong toàn bộ quy trình tạo nên một sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh tế. “Được tự tay hoàn thiện chiếc đĩa sơn mài, được phết mầu trang kim lên chú ngựa giấy tuyệt đẹp là điều tôi nhớ nhất trong chuyến đi”, anh Bjorn Anderson, một du khách Thụy Điển thích thú chia sẻ.

Trên một số diễn đàn du lịch trực tuyến, dễ dàng nhận thấy ấn tượng để lại sâu đậm với du khách quốc tế khi đến Việt Nam là tham gia các tour du lịch sáng tạo. Cô gái đến từ Canada Shannon Crawford chia sẻ hình ảnh trải nghiệm chăn vịt trong ngôi làng nhỏ ở Phong Nha, tỉnh Quảng Bình: Cô học cách lắc lư cơ thể, kêu quạc quạc và tung thức ăn giữa cả trăm chú vịt ồn ã chung quanh. Còn Enrique Canelles Corell, đến từ Tây Ban Nha hớn hở học cách tuốt lúa, cắt cỏ cùng người dân bản địa Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) mà theo anh, là một kỷ niệm đẹp nhất sau hai tuần ngao du khắp các tỉnh miền núi phía bắc.

Năm 2024 vừa đi qua ghi nhận những dấu ấn du lịch vượt trội, khi dải đất hình chữ S thu hút tới 17,5 triệu khách quốc tế, 110 triệu khách nội địa, xấp xỉ thành tích ghi nhận ở “thời hoàng kim” - năm 2019.

Có thể tự tin rằng, việc ưu tiên khai thác tiềm năng du lịch sáng tạo gắn với nông thôn Việt Nam là một hướng phát triển bền vững, một lộ trình giàu tiềm năng, để du lịch Việt Nam đón một năm mới 2025 với nhiều thành công ấn tượng hơn nữa.

Điểm đến mới của du lịch sáng tạo ảnh 1
Giáo viên Trường trung cấp Kinh tế-Du lịch Hoa Sữa dạy khách nước ngoài làm món ăn truyền thống của Việt Nam. Ảnh: Anh An