Con tàu "lạ"
Các nhà đầu tư Nhật Bản đã tìm thấy một cơ hội đầu tư lớn, từ sự yếu kém trong khai thác và bảo quản cá ngừ đại dương tại các tỉnh miền trung. Con tàu "lạ" vỏ composite tôi được thấy trong chuyến thực tế hồi đầu tháng bảy tại Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Đại học Nha Trang - Khánh Hòa) là bước khởi đầu cho dự án lớn của hãng Yanmar (Nhật Bản). Thật thú vị khi nhìn thấy nó, dù chưa xong, con tàu mẫu vẫn khiến người ta phải ngẩn người: Đẹp. Con tàu câu vỏ composite được trang bị các thiết bị đánh bắt và đi biển hiện đại, có tổng kinh phí bảy tỷ đồng, dự kiến khi hoàn thành sẽ chuyển cho ngư dân miền trung dùng thử. Nếu việc thử nghiệm thành công, ngư dân "chịu", phía đối tác Nhật Bản sẽ đầu tư đóng tiếp 180 chiếc tàu bán cho ngư dân (toàn bộ theo mẫu hoặc theo tỷ lệ nhất định tùy vào khả năng của người mua).
Ông Phan Tuấn Long, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy đánh giá dự án này có tính khả thi rất cao, bởi đã đụng vào đúng điểm yếu chí tử trong kỹ thuật đánh bắt, sơ chế, bảo quản cá ngừ của ngư dân hiện nay. Hóa giải được câu chuyện này, tỷ lệ thất thoát do giảm giá trị từ 30 đến 70% sẽ được kéo xuống mức tối thiểu. Điều đáng suy ngẫm là cách thức triển khai của người Nhật. Thay vì dựa vào kinh nghiệm vốn có để đưa ào ạt tàu mới, họ chú trọng đến việc nghiên cứu đưa ra con tàu vừa thích ứng với ngư trường Việt Nam lại được các ngư dân đón nhận. Chỉ khi hội tụ đủ các yếu tố nói trên, Yanmar mới mở rộng đầu tư.
Lời giải từ con tàu không chìm
Liệu tàu composite có thay thế được tàu gỗ? Theo ông Phan Tuấn Long, vấn đề này thế giới đã giải quyết từ lâu. Ở châu Á, những nước có nghề cá phát triển đều chọn vật liệu composite cho tàu cá vừa và nhỏ (có chiều dài dưới 30 m) như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
Composite có những ưu điểm không vật liệu nào có được như độ bền, trơ trước ăn mòn của nước biển, dễ tạo hình theo ý muốn. Giá thành vỏ tàu composite chỉ cao hơn vỏ tàu gỗ khoảng 10%. Nếu đóng theo số lượng hơn 10 chiếc thì giá tương đương tàu gỗ, do giảm chi phí khi sử dụng lại khuôn mẫu. Tàu cá vỏ composite còn có thể gọi là "tàu cá không chìm" bởi thiết kế chia thành những khoang kín. Trong trường hợp bị thủng 1-2 khoang, tàu vẫn vận hành được; nếu bị lật, nhờ các khoang kín, vật liệu nhẹ nên vẫn nổi như chiếc phao cho ngư dân bám vào, tăng khả năng sinh tồn trong những tai nạn rủi ro. Còn lại vấn đề băn khoăn nhất của các nhà bảo vệ môi trường, chính là tính trơ, khó phân hủy, thì đã được giới khoa học Nhật Bản tìm ra hướng giải quyết khá bất ngờ: Sau chừng 30 năm phục vụ, tàu được "chôn" ở những vùng biển sâu hơn 500 m làm nơi trú ẩn cho cá.
Lượng tiêu hao nhiên liệu tàu vỏ composite thấp hơn nhiều so với tàu vỏ gỗ cùng loại. Ông Mai Thành Phúc ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang cho biết, con tàu vỏ composite của ông sử dụng từ năm 1998 đến nay mỗi chuyến biển tiết kiệm được chừng 400 lít dầu (10%) so với các tàu gỗ của bạn nghề. Tàu của ông Phúc thường 3-5 năm mới phải đưa tàu lên bờ kiểm tra chung máy móc, trong khi tàu vỏ gỗ phải lên đà tu sửa vỏ ít nhất một lần trong năm.
Suốt chặng đường đi dọc miền trung tìm hiểu về "câu chuyện tàu thuyền" chúng tôi khá bất ngờ khi nhiều ngư dân thích con tàu vỏ composite dù chưa hề nhìn thấy nó. Họ thích qua lời kể của những ngư dân cùng quê xuất ngoại làm thuê trên tàu cá. Ông Lương Thanh Hùng chủ một cơ sở đóng tàu gỗ khá lớn của làng nghề đóng tàu truyền thống Cổ Lũy (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cũng thích con tàu vỏ composite. Ông Hùng ngoài cái thích... trái nghề, còn mong học được cách đóng tàu từ composite bởi "không xa nữa sẽ phải thay thôi, gỗ giờ khó kiếm lắm, nhiều loại gỗ mất dạng rồi".
Để có gỗ đóng tàu nhiều lúc ông và đồng nghiệp phải vào Bình Định, lên Tây Nguyên "săn với giá cắt cổ", cũng không ít khi phải chọn thay thế từ gỗ nhập ngoại có tính năng gần tương đương. Theo ông Phan Tuấn Long, khả năng chuyển đổi các cơ sở đóng tàu gỗ truyền thống sang đóng tàu vỏ composite là hoàn toàn hiện thực. Như vậy, tính toán một cơ cấu hợp lý tỷ lệ chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép và tàu vỏ composite là cần thiết. Nhưng điều kiện tiên quyết để thành công chính là một cơ chế chính sách có tính đến cơ cấu vàng đó!
Việc khó nhất trong đóng tàu composite là chế tạo khuôn, phải thực hiện tại các doanh nghiệp, cơ sở trình độ chuyên môn cao. Nếu nhận chuyển giao khuôn (sử dụng nhiều lần), các cơ sở đóng tàu truyền thống có thể đảm nhiệm được các phần việc còn lại, chiếm hơn 85% giá trị con tàu. |
-------
(Ảnh chuyên đề: XUÂN TRƯỜNG)