Tập trung nguồn lực bảo đảm chất lượng xây dựng luật

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa bế mạc phiên họp thứ 28, phiên họp thường kỳ cuối cùng của năm 2023, chiều 18/12. Cùng với nội dung trọng tâm là đánh giá, tổng kết Kỳ họp thứ 6, việc chuẩn bị các nội dung của kỳ họp bất thường lần thứ 5, kỳ họp thường kỳ thứ 7 và một số nội dung trong năm tới được tập trung bàn thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh bế mạc phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Duy Linh
Quang cảnh bế mạc phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Duy Linh

PHIÊN họp thứ 28 này đã cơ bản hoàn thành năm nhóm nội dung theo chương trình đề ra. Trong đó, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và biểu quyết bổ sung bốn dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2024, gồm các dự án luật: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi) và Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã kịp thời xem xét, cho ý kiến đối với báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023.

Ở nhóm vấn đề thứ năm, có nội dung đáng chú ý là việc tổng kết Kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến về công tác chuẩn bị các kỳ họp sắp tới của Quốc hội. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cao và đánh giá, Kỳ họp thứ 6 vừa qua rất thành công, với khối lượng công việc nhiều, độ khó cao, nhiều việc cấp bách phải xử lý nhưng đã được thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua với tinh thần đoàn kết, dân chủ và tỷ lệ tán thành rất cao. Đặc biệt, đây cũng là kỳ họp mà Chính phủ và Quốc hội đã có những quyết sách kịp thời để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn.

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã "quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất" và "Giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn...".

Trên cơ sở ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 5 với các nội dung: Một là, xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nếu đủ điều kiện; Hai là, xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; ba là, xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công.

RÚT kinh nghiệm từ cách tổ chức các kỳ họp Quốc hội gần đây, về hình thức, kỳ họp bất thường tới, dự kiến Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội dù chỉ trong ba ngày, khai mạc vào thứ hai (ngày 15/1/2024) song vẫn chia thành hai đợt. Mục đích quãng thời gian nghỉ giữa hai đợt họp là để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua, nhằm bảo đảm chất lượng của các dự án luật.

Liên quan nội dung này, hầu hết các ý kiến đều nhấn mạnh công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đối với những nội dung dự kiến trình phải hết sức khẩn trương, đúng thời gian, bảo đảm kỹ lưỡng và chất lượng. Riêng với hai dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), do còn nhiều ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, thời gian còn lại không nhiều, đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, tích cực trong công tác rà soát, tiếp thu, chỉnh lý; tập trung nguồn lực cao nhất để bảo đảm chất lượng về các nội dung trình Quốc hội.

Báo cáo về tiến độ chuẩn bị hai dự án luật được cho là rất khó này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, với quyết tâm cao nhất chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường thứ 5, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ đang nỗ lực, triển khai rất tích cực công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu theo đúng quy định.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, trong thời gian tới, các cơ quan cố gắng tối đa, tập trung cao độ cho các nội dung của kỳ họp bất thường.

Về Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến bước đầu, trong đó, nhất trí bổ sung bốn dự án luật, theo đó, khối lượng các dự án luật dự kiến thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp giữa năm 2024 sẽ là khá lớn.