Sửa luật để bảo vệ và khai thác tài nguyên hiệu quả

Trong tuần làm việc cuối của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa bế mạc mới đây, vấn đề còn để lại nhiều trăn trở cho cả các đại biểu và cử tri là dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Bởi, theo dự kiến, dự án luật này sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10 tới), trong khi vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau và lại rất ít thời gian để tiếp thu, chỉnh sửa.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu ý kiến làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Đăng Khoa
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu ý kiến làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Đăng Khoa

BÁO cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật Địa chất và Khoáng sản trước Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận khá nhiều nội dung trong dự thảo cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi như: Tên gọi và phạm vi điều chỉnh; Phân nhóm khoáng sản; Quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác; Phương pháp xác định, phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Quy định chuyển tiếp,...

Theo đó, vấn đề nhận được nhiều ý kiến thảo luận, thậm chí tranh luận của các đại biểu là: Trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản; Thăm dò khoáng sản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản; hay Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Về quy hoạch khoáng sản (Điều 13) và trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15 - dự thảo Luật), có hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quan điểm của Chính phủ như quy định của dự thảo Luật vì: quy định này thể chế hóa nội dung “thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản” nêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TW; đồng bộ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quản lý quy hoạch, cấp phép, kiểm tra, thanh tra hoạt động khoáng sản. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định theo hướng giao Bộ Công thương tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm I và Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản nhóm II.

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc phân công cho nhiều Bộ chủ trì lập các quy hoạch khoáng sản gây ra một số bất cập, không bảo đảm tính thống nhất trong quy hoạch và cấp phép hoạt động khoáng sản. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu quan điểm, “về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản theo Điều 15, tôi thống nhất giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ liên ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản của nhóm I và nhóm II, nhằm thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên quốc gia, ... phù hợp với chủ trương mỗi việc giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm”.

ĐỐI với quy định về thăm dò khoáng sản sử dụng vốn ngân sách nhà nước (Điều 52 dự thảo Luật), một số ý kiến đại biểu tán thành quy định sử dụng vốn ngân sách nhà nước để tổ chức thăm dò khoáng sản đối với khoáng sản chiến lược, quan trọng và khoáng sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn. Tuy nhiên, dẫn chứng thực tiễn khai thác khoáng sản thời gian qua, không ít ý kiến còn băn khoăn.

Mang theo nguyện vọng của cử tri tỉnh Đắk Nông, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai đề cập những khó khăn thực tế tại địa phương: “Tôi đơn cử như tỉnh Đắk Nông, hiện tại có khoảng hơn 1.000 dự án bị chồng lấn với quy hoạch bô-xít nên gần như không thể triển khai được. Mặc dù hiện nay tại điểm g khoản 1 Điều 218 của Luật Đất đai năm 2014 đã quy định sử dụng đất đa mục tiêu, trong đó có quy hoạch mục đích khoáng sản được sử dụng kết hợp mục đích nông nghiệp, xây dựng công trình hạ tầng bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, điện mặt trời, nhưng như vậy là chưa đủ để triển khai các dự án phục vụ cho đời sống kinh tế-xã hội của người dân như các dự án về giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế và năng lượng. Bên cạnh đó, khi triển khai thi công các công trình xây dựng đều đang được yêu cầu phải thu hồi, bảo vệ khoáng sản theo quy định, tuy nhiên công tác thu hồi khoáng sản sẽ không khả thi nếu khoảng cách vận chuyển quá xa so với nhà máy chế biến”.

Về phương pháp xác định, phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 103), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo, có ý kiến đề nghị thu theo đợt (2-3 đợt) thay cho việc thu theo năm; có ý kiến đề nghị nghiên cứu có phương án bảo đảm sự công bằng giữa phương án thu, nộp đối với mỏ đấu giá và không đấu giá.

Ở nội dung này, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã làm rõ: Quan điểm của chúng ta là sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia. Thứ hai là bảo đảm được chiến lược về khoáng sản của quốc gia, an ninh năng lượng quốc gia. Thí dụ như một vài loại khoáng sản bây giờ chúng ta phải để cho các tập đoàn nhà nước làm như than, bô-xít,... và việc này để Chính phủ quy định. Tuy nhiên, tôi thống nhất với các đại biểu là Nghị định 158 đưa ra bảy nội dung thì sẽ phải rà soát những nội dung nào bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo đảm chiến lược, an ninh thì Chính phủ sẽ quy định. Tiếp đó, nếu có thể thì để đấu giá, bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả và cho nguồn thu cao nhất. Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý ý kiến đại biểu Trương Trọng Nghĩa rằng mặc dù là Tập đoàn Nhà nước, mặc dù không đấu giá nhưng các cơ quan được giao nhiệm vụ khai thác mỏ vẫn nộp tiền quyền khai thác, nộp thuế tài nguyên như bình thường. Có nghĩa, việc đấu giá để bảo đảm việc lựa chọn năng lực, lựa chọn công nghệ, chứ không chỉ là kinh phí.

CÁC phiên thảo luận hay trao đổi bên hành lang Quốc hội cho thấy, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản. Song phải làm sao để đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; hoàn thiện các quy định về đấu giá thăm dò, khai thác khoáng sản phù hợp với thực tiễn; hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí, tăng nguồn thu cho ngân sách và bảo vệ quyền, lợi ích quốc gia.