Bảo đảm tính đồng bộ và tầm nhìn trong quy hoạch

Từ ngày 1/8 tới đây, ba luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ có hiệu lực. Trong khi đó, vào cuối kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được đưa ra thảo luận vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là ở tính đồng bộ, liên thông, thống nhất giữa các văn bản luật.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Khu đô thị Ecopark (Hưng Yên). Nguồn: BÁO HƯNG YÊN
Một góc Khu đô thị Ecopark (Hưng Yên). Nguồn: BÁO HƯNG YÊN

Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn theo Tờ trình số 227/TTr-CP của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ở nội dung "Về rà soát, điều chỉnh cục bộ quy hoạch" (Chương III - dự thảo Luật) đề nghị: Rà soát nội dung, mức độ chi tiết của quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung nông thôn quy định tại dự thảo Luật và các quy hoạch khác có liên quan, như quy hoạch sử dụng đất theo pháp luật về đất đai và quy hoạch tỉnh theo pháp luật về quy hoạch, bảo đảm tính định hướng của các quy hoạch này phù hợp với tính chất, vai trò riêng của từng quy hoạch, tránh gây khó khăn trong việc xử lý chồng lấn giữa các quy hoạch, vướng mắc trong thực tiễn, dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch.

Về hệ thống, nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, Ủy ban Kinh tế cũng yêu cầu: Rà soát các quy định, làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, nông thôn và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy định rõ căn cứ lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh các quy hoạch này, tránh gây vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Đề cập cụ thể, đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, dự thảo Luật quy định quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn có thời hạn từ 20 đến 25 năm là phù hợp lộ trình triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng tại đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh theo thời kỳ quy hoạch là 10 năm. Vì vậy, dự thảo Luật cần có các quy định yêu cầu rõ hơn về nội dung của các loại, các cấp độ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn phù hợp quy hoạch của tỉnh. Đồng thời cần quy định rõ đối với trường hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khi phạm vi ranh giới dự kiến quy hoạch có sự chồng lấn, giao thoa.

Chung mối quan tâm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề cập đến thời hạn, thời kỳ quy hoạch đối với cấp huyện. Cụ thể, tại khoản 5 Điều 21 (dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn) quy định "thời hạn quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã, đô thị mới dự kiến trở thành thành phố, thị xã từ 20 đến 25 năm". Tuy nhiên, khoản 3 Điều 62 của Luật Đất đai năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua đầu năm 2024 quy định "thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 10 năm, tầm nhìn sử dụng đất cấp huyện là 20 năm", dẫn đến các loại quy hoạch về thời kỳ, thời hạn chưa giống nhau. "Tôi đề nghị xem xét, nghiên cứu nên điều chỉnh thời hạn đồng bộ với thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp", vị đại biểu này nhấn mạnh.

Về quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương (Điều 20 dự thảo Luật), Ủy ban Kinh tế nhận thấy, quy định tại dự thảo Luật cơ bản kế thừa quy định về quy hoạch chung đô thị đối với thành phố trực thuộc trung ương tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Quốc hội thời gian qua tại Báo cáo số 166/BC-ĐGS, nội dung này có sự trùng lắp với nội dung quy hoạch tỉnh theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017, dẫn đến các thành phố trực thuộc trung ương gặp khó khăn khi phải lập cả hai loại quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt.

Thực tế thời gian qua cho thấy, các thành phố trực thuộc trung ương lập hai loại quy hoạch với nội dung tương tự nhau, vẫn phải thực hiện hai quy trình lập, thẩm định song song để bảo đảm sự tương thích giữa hai loại quy hoạch cùng thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia. Do đó, một số chuyên gia cho rằng, quy định tại dự thảo Luật lần này chưa khắc phục được vướng mắc về tốn kém chi phí, thời gian tổ chức lập, thẩm định quy hoạch. Dự thảo Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đang hoàn thiện song song để trình Quốc hội cho ý kiến cũng có nội dung trùng lắp nhau.

Có ý kiến cho rằng, thuyết minh về việc quy hoạch chung đô thị thành phố trực thuộc trung ương có tính kỹ thuật và cụ thể hơn là chưa thuyết phục vì đối với thành phố trực thuộc trung ương đã lập riêng quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch không gian ngầm với bản đồ tỷ lệ là 1/5.000 hoặc 1/10.000. Đối với các khu vực thuộc thành phố trực thuộc trung ương (đơn vị hành chính đô thị, khu chức năng hỗn hợp hoặc chuyên ngành, khu vực phát triển theo chức năng được xác định theo nhu cầu của địa phương…) về cơ bản đã có quy hoạch đô thị tương ứng.

Ở nội dung này, trong phiên thảo luận cuối kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nội dung quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương được quy định tại Luật Quy hoạch hiện hành. Bộ trưởng Xây dựng cũng nêu, cần thiết có quy định về lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương. Việc lập quy hoạch chung này cũng bảo đảm tính kế thừa, không trùng lắp, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật.

Luật Đất đai 2024 sắp có hiệu lực đã bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh có vai trò tương tự như quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương và để cụ thể hóa quy hoạch của thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương vừa đóng vai trò là định hướng phát triển không gian; đồng thời đóng vai trò xác định chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh cho thành phố trực thuộc trung ương.

Rõ ràng, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn cần khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, để hoàn thiện, chỉnh lý dự thảo luật trước khi được Quốc hội thông qua.