- Xin ông cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, chủ trương xây dựng, phát triển "hệ thống giáo dục mở" đã được triển khai trên thực tế ra sao?
- Luật Giáo dục 2019 đã luật hóa nhiều nội dung của Nghị quyết 29. Đặc biệt đối với giáo dục thường xuyên, thể hiện bằng một mục riêng: Mục 2 - Giáo dục thường xuyên (từ Điều 41 đến Điều 46). Các điều khoản chi tiết trong Luật cho thấy rõ hơn rằng hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên - đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu trong Nghị quyết đối với giáo dục thường xuyên: Bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động chuyển đổi nghề; bảo đảm xóa mù chữ bền vững - cần hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và các hình thức học tập, thực hành phong phú, linh hoạt, coi trọng tự học và giáo dục từ xa, Luật Giáo dục đã có quy định cụ thể.
Như vậy, mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên cùng với các chương trình và hình thức giáo dục thường xuyên, thời gian qua, đã thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Tuy nhiên, việc thực thi tại địa phương, cơ sở cần được cụ thể, phù hợp với đặc thù, điều kiện thực tế. Chính quyền địa phương các cấp căn cứ các quy định, quy hoạch, kế hoạch cụ thể để cụ thể hóa các phần việc của địa phương theo phân cấp. Chẳng hạn như các điều kiện thực hiện liên quan tới con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị,…
- Theo ông, đâu là "nút thắt" cần tháo gỡ ở thời điểm hiện tại, cả về chính sách và thực tiễn?
- Trước tiên, có một số vấn đề cần tiếp tục được triển khai thực hiện đồng bộ từ quy định và thực thi tại địa phương, cơ sở như:
Một là, cần cụ thể hóa một số quy định dưới Luật trong Nghị định của Chính phủ như: việc phân cấp quản lý nhà nước đối với một số cơ sở giáo dục thường xuyên như đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên
Hai là, hoàn thiện các quy định về quy trình, thủ tục thành lập, cấp phép hoạt động, chia tách, giải thể đối với các loại hình cơ sở giáo dục thường xuyên mới được luật hóa. Tạo nền tảng pháp lý cho việc tiếp tục triển khai mô hình tại cơ sở và tạo đà cho việc tăng cường xã hội hóa giáo dục thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân cung ứng các chương trình giáo dục thường xuyên có chất lượng.
Ba là, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các chương trình giáo dục thường xuyên như: Chương trình xóa mù chữ, Chương trình cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông; các chương trình này được xây dựng tương đương với chương trình phổ thông 2018 theo định hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất người học theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW. Trước khi triển khai thực hiện các Chương trình, Bộ đã tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán cho các địa phương. Theo quy định về phân cấp, các điều kiện thực hiện chương trình liên quan tới cán bộ quản lý, giáo viên và điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học địa phương cần bảo đảm để việc thực hiện các chương trình có chất lượng.
Bốn là, nhận thức về giáo dục thường xuyên ở các bộ, ngành, địa phương các cấp cần thay đổi, phù hợp xu thế phát triển đất nước hiện nay. Trong một giai đoạn lịch sử nhất định, giáo dục thường xuyên giải quyết thực tế của đất nước là xóa mù chữ và bổ túc văn hóa (sau khi thống nhất đất nước, nhiều cán bộ cần nâng cao trình độ văn hóa). Giai đoạn ngày nay là thúc đẩy học tập suốt đời. Chủ trương học tập suốt đời không chỉ có trong tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW mà còn đề cập trong nhiều nghị quyết của Đảng…
Giáo dục thường xuyên hiện nay, không phải chú trọng vào việc thực hiện chương trình lấy bằng tốt nghiệp phổ thông mà cần đáp ứng nhu cầu cần gì học nấy của người học, thúc đẩy học tập suốt đời. Do đó, tại các cơ sở giáo dục thường xuyên đang triển khai đa dạng hóa các chương trình, khóa học tập, bồi dưỡng ngắn hạn, cung ứng cho người dân cơ hội học tập mọi nơi, mọi lúc, không nhất thiết chỉ có học tập để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân mà theo ghi nhận xu thế hiện nay các khóa học đáp ứng nhu cầu không lấy văn bằng ngày một tăng nhanh.
Vì vậy, nhận thức hiện nay tại các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành cùng với ngành giáo dục cũng cần thay đổi theo quan niệm, xu thế về giáo dục thường xuyên.
Lễ khai giảng năm học 2023-2024 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên thành phố Chí Linh (Hải Dương). Ảnh: THÙY DƯƠNG |
- Cùng với những nỗ lực cần sự chung tay của toàn xã hội đó, để có thể mang tới những chuyển động tích cực trong định hướng ngắn hạn, theo ông, cần phải tập trung vào những nội dung gì?
- Giáo dục thường xuyên hiện nay phát triển cùng với xu thế chung của thế giới là giáo dục suốt đời. Các quốc gia trên thế giới rất quan tâm tới giáo dục thường xuyên (tên gọi có thể khác Việt Nam như giáo dục không chính quy, giáo dục phi chính quy, giáo dục người lớn, giáo dục suốt đời…). Nhiều quốc gia đã có luật giáo dục suốt đời riêng. Luật này tác động, thúc đẩy rất lớn tới việc học tập thường xuyên, liên tục, học suốt đời của mọi người dân, đặc biệt là cho đối tượng người lớn tuổi.
Trong xu thế tất yếu hiện nay, khi nước ta đang từng bước hội nhập quốc tế sâu rộng, thì giáo dục thường xuyên càng phải được quan tâm nhiều hơn. Giáo dục suốt đời góp phần tái tạo tài nguyên con người, không một ai muốn giỏi, muốn làm việc tốt mà không học tập thường xuyên, suốt đời. Do đó, việc tăng cường luật hóa giáo dục suốt đời tại Việt Nam cũng sẽ là xu thế tất yếu mà chúng ta cần sớm quan tâm xây dựng. Cụ thể hóa được điều này, có cơ chế, quy định rõ hơn về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế… trong việc cung ứng các khóa học và tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập suốt đời, song song với đó là trách nghiệm học tập suốt đời của mỗi công dân.
Trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách về Giáo dục thường xuyên theo Luật Giáo dục 2019 để tạo hành lang pháp lý phát triển giáo dục thường xuyên trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống chính trị cần tập trung xây dựng, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên để người dân các độ tuổi có nơi để học tập, có chương trình học tập thiết thực, hiệu quả, trực tiếp nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi nghề nghiệp, làm giàu cho bản thân, cho gia đình... là nền tảng phát triển xã hội. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cùng tham gia hỗ trợ, đồng hành xây dựng các mô hình học tập như: cộng đồng học tập, đơn vị học tập, dòng họ học tập, công dân học tập… từng bước hình thành một xã hội học tập.
- Trân trọng cảm ơn ông!