Tăng luân chuyển, đào tạo từ thực tế
Là địa phương thuộc diện khó khăn của huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), song cả 21 cán bộ, công chức xã Đắc Pring đều có trình độ đại học. Đồng chí Kring Nhéo, Bí thư Đảng ủy xã Đắc Pring cho biết: Toàn bộ công chức xã là cán bộ người dân tộc thiểu số, được bố trí, sắp xếp phù hợp chuyên môn, năng lực. Cơ bản bảo đảm đáp ứng công tác bố trí, sử dụng cán bộ thực hiện các nhiệm vụ ở cơ sở. Một số cán bộ trẻ, còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi đề xuất huyện tổ chức các chương trình, đào tạo, bồi dưỡng theo từng lĩnh vực.
Tương tự, ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi), cả 16 cán bộ, công chức đều đã có trình độ đại học. Bí thư Đảng ủy xã Sơn Dung Đinh Văn Hai cho biết, xã có 10 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số và đều thuộc diện được đào tạo, phát triển nguồn qua các đề án, chính sách cụ thể triển khai đến cơ sở nhằm nâng cao nghiệp vụ, trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc thực tế.
Ở cấp xã, huyện, nhiều địa phương có những phương pháp sàng lọc, sắp xếp cán bộ là người dân tộc thiểu số. Nhân lực tại chỗ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, chưa đáp ứng được cho nên các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đưa cán bộ cấp huyện về quản lý, điều hành cấp xã. Ngược lại, công chức xã làm tốt chuyên môn được rút về huyện bố trí nhiệm vụ phù hợp.
Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, một số huyện miền núi tỉnh Quảng Nam thực hiện luân chuyển cán bộ xã là người đồng bào dân tộc thiểu số lên huyện để đào tạo, tiếp cận nhiệm vụ; đồng thời, chuyển cán bộ huyện đi cơ sở để xây dựng, củng cố và phát triển bộ máy chính quyền cấp xã đáp ứng yêu cầu mới.
Trong ba năm qua, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam chú trọng công tác bố trí, sắp xếp, điều động, bổ nhiệm cán bộ người dân tộc thiểu số. Huyện Nam Giang đã luân chuyển bốn cán bộ người dân tộc thiểu số từ huyện về xã và luân chuyển hai cán bộ dân tộc thiểu số từ xã về huyện; luân chuyển 22 cán bộ, công chức giữa các phòng ban chuyên môn, các xã miền núi. Công tác luân chuyển giúp cán bộ, công chức có điều kiện tiếp cận nhiệm vụ đa dạng, nhạy bén để thực thi nhiệm vụ hiệu quả hơn.
Là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Giang, đồng chí Bhat Châu được điều chuyển làm Bí thư Đảng ủy xã Đắc Pre, huyện Nam Giang. Đồng chí Bhat Châu chia sẻ: Với kinh nghiệm, kỹ năng từng phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, nông dân ở cấp huyện, khi được phân công về xã, tôi đã áp dụng với địa bàn cơ sở cụ thể, thực tế hơn. Điều này không chỉ thuận lợi cho tôi, mà việc tiếp cận cơ sở, triển khai các đề án nông nghiệp, nông thôn mang lại hiệu quả tốt hơn.
Vẫn cần nhiều chính sách, cơ chế đặc thù
Huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) có chín đơn vị hành chính cấp xã với 109 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, người Ca Dong (một chi thuộc dân tộc Xơ Đăng) 11%, người Hrê 7,6%, đạt 20% số cán bộ là người dân tộc thiểu số; năm xã có người đứng đầu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng chí Nguyễn Quyết Chiến, Trưởng phòng Nội vụ huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2022, Huyện ủy đã xây dựng Nghị quyết 01-NQ/HU về nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, tạo nguồn cán bộ quản lý, chú trọng phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới và một đề án riêng về đào tạo cán bộ nữ, cán bộ trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho người dân miền núi. Tuy nhiên, để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, phần lớn huyện miền núi như Nam Giang hay huyện Sơn Tây đều tiếp nhận nguồn cán bộ từ tuyển dụng, học cử tuyển và cán bộ các hội, đoàn thể của xã được đào tạo và phát triển dần.
Mặc dù có nhiều chính sách, biện pháp để xây dựng, phát hiện nguồn, đào tạo và bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị nhưng nhiều địa phương miền núi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn gặp nhiều khó khăn. Năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ người dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế nhất định; số lượng cán bộ lớn tuổi ngày càng tăng nhưng không thể tuyển dụng mới do đã đủ biên chế, dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ, thiếu nguồn nhất là cán bộ hội, đoàn thể cấp xã. Bên cạnh đó, có một thực tế tại huyện Sơn Tây, hầu hết cán bộ cấp xã tự học đại học nên không theo định hướng, học không đúng chuyên môn, không đúng ngành nên không thể chuyển ngạch lương, bố trí việc làm phù hợp dẫn đến tình trạng cán bộ vừa thiếu lại vừa thừa.
“Cán bộ học xong đại học đề nghị xếp lương theo bằng cấp mới nhưng quy định thì xếp lương theo vị trí việc làm chứ không theo bằng cấp nên không thể chuyển ngạch, xếp lương cho cán bộ. Ở các xã cán bộ học chủ yếu bằng đại học ngành Luật nhưng vị trí công tác là lĩnh vực kế toán, địa chính thì không thể xếp lương theo bằng cấp mới”, đồng chí Nguyễn Quyết Chiến chia sẻ.
Tại nhiều địa phương, nguồn để xây dựng, đào tạo cán bộ hiện nay ngày càng ít. Con em người dân tộc thiểu số ở các xã miền núi vào đại học, cao đẳng không nhiều dẫn đến tình trạng không có nguồn cán bộ ổn định. Do vậy, chính quyền địa phương cần vận động con em vào đại học, cao đẳng để đào tạo nguồn; huyện điều động cán bộ từ các địa phương khác đến; cần có chính sách cho miền núi như tăng cường hệ cử tuyển.
Đồng chí Lê Văn Tùng, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây kiến nghị, cấp có thẩm quyền cần sửa đổi cơ chế, chính sách ưu tiên tuyển dụng công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp tính chất, đặc điểm bản sắc dân tộc, hiện trạng dân trí và điều kiện sống, tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số tại chỗ có cơ hội được tuyển dụng, tham gia làm việc trong cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị cấp huyện, xã.
Không chỉ vậy, hiện nay ở đảng ủy cơ sở cấp xã không bố trí công chức làm công tác xây dựng đảng như tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra, dân vận… mà chỉ giao cho những người không chuyên trách đảm nhiệm. Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Lê Văn Hường, Bí thư Huyện ủy Nam Giang thẳng thắn cho rằng, đây là một bất cập cần sớm được xem xét thấu đáo. Thực tế, công tác xây dựng đảng của tổ chức Đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn còn nhiều hạn chế mà phải giao cho người không chuyên trách là không phù hợp cả về bố trí cán bộ và chính sách đối với cán bộ. Do đó cần có chính sách ưu tiên phù hợp đào tạo nhân lực và thực hiện tốt chính sách tuyển dụng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số ở các cơ quan, đơn vị cấp cơ sở.