Tạo dựng nền văn hóa công chức liêm chính

Được ghi nhận thuộc nhóm các quốc gia phát triển, với những quy định rõ ràng về phân định quyền và trách nhiệm, đồng thời tưởng thưởng công khai, công bằng, xứng đáng cho thành tích vượt trội, hệ thống công quyền ở cả Hàn Quốc và Singapore đã hoạt động hiệu quả khi vừa bảo đảm liêm chính, vừa đóng vai trò then chốt để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Temasek - công cụ quan trọng trong chiến lược kinh tế của Chính phủ Singapore.
Temasek - công cụ quan trọng trong chiến lược kinh tế của Chính phủ Singapore.

Xác định rõ vai trò dẫn dắt của Nhà nước

Temasek - Tập đoàn đầu tư của Chính phủ Singapore, do Bộ Tài chính Singapore sở hữu 100% vốn là cái tên quen thuộc trong giới kinh tế toàn cầu, quản lý khối tài sản gần 300 tỷ USD, và là một trong những quỹ đầu tư hiệu quả nhất trên thế giới. Ngày nay, Singapore là hình ảnh thu nhỏ của một quốc gia có cơ sở hạ tầng sáng tạo và đổi mới đẳng cấp thế giới, đồng thời là trung tâm kinh tế-tài chính toàn cầu. Thành công ấy có phần đóng góp lớn từ cách tiếp cận linh hoạt của chính phủ đối với đổi mới và phát triển kinh tế, thể hiện rõ qua sự phát triển của tập đoàn kinh tế này. Temasek đóng vai trò công cụ quan trọng trong chiến lược kinh tế của Singapore, quản lý các danh mục đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm: dịch vụ tài chính, viễn thông, bất động sản, và các công ty khởi nghiệp tiềm năng cả trong nước lẫn quốc tế.

Thành công của Temasek không đơn thuần là kết quả của chiến lược đầu tư hiệu quả, mà còn bắt nguồn từ các chính sách quản trị khuyến khích tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và chấp nhận rủi ro chiến lược từ chính phủ. Nhà nước cam kết các đơn vị đầu tư như Temasek hoạt động với mức độ tự chủ cao và hệ thống quản lý chuyên nghiệp, không bị can thiệp hành chính, và không phải chịu trách nhiệm hình sự cho các quyết định đầu tư.

Còn Hàn Quốc gần đây nổi lên là một cường quốc về đổi mới công nghệ, với hệ sinh thái khởi nghiệp được định giá lên đến 211 tỷ USD, cao hơn nhiều lần mức trung bình toàn cầu (24,6 tỷ USD).

Điểm chung của hai trường hợp được đánh giá là thành công trong đổi mới sáng tạo này đều ghi đậm dấu ấn vai trò dẫn dắt của Nhà nước. Và đặc biệt, cả Singapore và Hàn Quốc đều là quốc gia có quy định nghiêm ngặt về phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, điều này không làm hạn chế năng lực của cơ quan quản lý nhà nước hay khiến nhân sự làm tại đây không "dám nghĩ, dám làm", sợ chịu trách nhiệm. Ngược lại, nhờ thực hiện hiệu quả việc làm trong sạch bộ máy công quyền, với những quy định rõ ràng về phân quyền và trách nhiệm, đồng thời tưởng thưởng xứng đáng cho thành tích vượt trội, hệ thống công quyền của cả hai quốc gia vừa bảo đảm sự liêm chính, vừa đóng vai trò then chốt để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Thực tế minh chứng, môi trường này nuôi dưỡng một nền văn hóa chấp nhận rủi ro có tính toán, củng cố bởi tầm nhìn rõ ràng về việc tạo ra giá trị lâu dài. Hơn một nửa danh mục đầu tư của Temasek là ở nước ngoài, và có đến 18 tỷ USD (tương đương 6% tổng giá trị quỹ) dành cho các công ty khởi nghiệp, vốn có độ rủi ro cao nhưng tiềm năng mang lại lợi nhuận khổng lồ. Đây là điều hiếm có ở các quỹ đầu tư thuộc nhà nước.

Sự phát triển của Temasek không có nghĩa là tập đoàn này được ưu đãi nhiều hơn các doanh nghiệp khác, hay dễ trở thành "sân sau" cho các quan chức chính phủ thực hiện hành vi tham nhũng, như trường hợp quỹ 1MDB của Malaysia. Điều này có được nhờ vào các biện pháp chống tham nhũng nghiêm ngặt từ Chính phủ. Nhờ vậy, nỗ lực chống tham nhũng, duy trì tính liêm chính trong cả khu vực công và tư nhân vẫn không làm cản trở năng lực đổi mới sáng tạo.

Vươn tới tầm nhìn "Nền kinh tế sáng tạo"

Câu chuyện đổi mới của Hàn Quốc có đặc trưng từ tầm nhìn "Nền kinh tế sáng tạo", với sự kết hợp nhịp nhàng giữa nền tảng vững chắc của khu vực công và tính năng động của khu vực tư, liên tục tạo ra động năng mới cho nền kinh tế.

Thí dụ tiêu biểu của tầm nhìn này là sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin và giải trí của Hàn Quốc. Đầu tư của chính phủ vào cơ sở hạ tầng băng thông rộng vào đầu những năm 2000 đã đặt nền móng cho hiện tượng văn hóa toàn cầu - Làn sóng Hàn Quốc, hay còn gọi là "Hallyu". Các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp sáng tạo của chính phủ, kết hợp các khoản đầu tư chiến lược vào công nghệ, đã đưa các doanh nghiệp Hàn Quốc bước lên vũ đài thế giới, trở thành đại sứ thương hiệu toàn cầu cho Hàn Quốc.

Vào những năm cuối thập niên đầu của thế kỷ 21, Chính phủ Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ với hàng loạt các chính sách ưu đãi kinh doanh, tài trợ vốn, và đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhà nước không tự mình làm hết mọi việc, mà tăng cường hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư. Điều này vừa giúp tận dụng tối đa nguồn lực của khu vực tư, vừa giảm đến mức tối đa rủi ro cho công chức khi thay mặt nhà nước đưa ra các quyết định đầu tư. Chính vì thế, dù xây dựng một nền văn hóa công chức liêm chính với các nguyên tắc quản trị nghiêm ngặt, Hàn Quốc vẫn có thể trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo.

Kinh nghiệm từ Singapore và Hàn Quốc là tài liệu tham khảo hữu ích cho nước ta, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang tích cực đưa ra các chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị và Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ.

Cân bằng giữa các mặt đối lập trong quản trị công

Kinh nghiệm của Singapore và Hàn Quốc cho thấy, điều quan trọng nhất là phải xây dựng một môi trường cân bằng giữa trách nhiệm giải trình và quyền tự chủ sáng tạo của cán bộ công chức. Đồng nghĩa với việc thực hiện các chính sách khuyến khích chấp nhận rủi ro chiến lược, hỗ trợ bởi các cơ chế minh bạch và liêm chính mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải biết cân bằng giữa các mặt đối lập trong quản trị công: truyền thống với đổi mới, thận trọng với chấp nhận rủi ro, giám sát với quyền tự chủ.

Để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm mà không làm giảm đi trách nhiệm của công chức, cũng cần một yếu tố quan trọng khác, đó là việc thấu hiểu vai trò của nhà nước trong nền kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới. Chính phủ không thể có "ba đầu sáu tay" để giám sát và xử lý toàn bộ mọi việc, mà cần phải có sự giúp sức từ giới trí thức, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức xã hội, và người dân. Vì thế, cần tiếp tục chuyển đổi vai trò của nhà nước từ điều hành sang kiến tạo, từ chỉ đạo sang đối tác, và từ cách tiếp cận từ trên xuống sang phối hợp giải quyết vấn đề theo chiều ngang, nhấn mạnh vai trò tự chủ của cấp cơ sở. Quan trọng nhất, mọi quyết sách của nhà nước cần đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm.

Đây không chỉ là bài học từ nước ngoài, mà còn là từ chính nước ta trong thời kỳ "xé rào" những năm 80 của thế kỷ 20. Hội nghị Trung ương 5 khóa VI (năm 1988) coi "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm" là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của cán bộ lãnh đạo. Chính tinh thần này đặt nền móng cho quá trình Đổi mới thành công của nước ta.

Đối với Việt Nam, khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua, một bộ phận cán bộ xuất hiện tình trạng "3 không": không nói; không tham mưu, đề xuất; và không triển khai hoặc thực hiện cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng. Ngoài nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính năng lực và phẩm chất cán bộ, một nguyên nhân quan trọng khác là cơ chế bảo vệ cán bộ "dám nghĩ, dám làm" chưa thật sự hiệu quả, dù đã có quy định pháp lý.