Sáng lập và quản trị viên Quán Chiêu Văn:

Tặng sách sẻ chia và gom góp niềm vui

Bên cạnh các chương trình, hoạt động của Nhà nước, ngành xuất bản, văn hóa…, ngày càng có nhiều hoạt động lan tỏa văn hóa đọc do các diễn đàn, nhóm, cá nhân tổ chức. Như ngày 2/4 vừa qua, Diễn đàn Quán Chiêu Văn đã tặng sách cho học sinh bốn trường tiểu học và THCS ở huyện miền núi Như Xuân, Thanh Hóa. Nhà văn, nhà báo Trịnh Đình Nghi, sáng lập và quản trị viên của diễn đàn chia sẻ với Thời Nay.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Trịnh Đình Nghi (thứ tư từ phải sang) cùng một số thành viên Quán Chiêu Văn tặng sách tại Hà Tĩnh.
Nhà văn Trịnh Đình Nghi (thứ tư từ phải sang) cùng một số thành viên Quán Chiêu Văn tặng sách tại Hà Tĩnh.

Nhà văn Trịnh Đình Nghi: Cuộc tặng sách vừa qua nằm trong kế hoạch thường xuyên của diễn đàn. 1.500 cuốn sách văn học, thiếu nhi, kỹ năng, giáo khoa, sách tham khảo… do chi hội của “quán” ở Thanh Hóa và một số thành viên diễn đàn đóng góp bằng sách và tiền mua thêm sách. Sau khi xem xét các nhu cầu về sách của từng trường, sách được góp hoặc mua rồi phân loại cụ thể và vận chuyển đến từng trường để đưa vào thư viện hoặc phân phối cho học sinh theo nhu cầu.

Phóng viên (PV): Thưa nhà văn, đề nghị ông chia sẻ về hành trình tặng sách của diễn đàn thời gian qua?

Nhà văn Trịnh Đình Nghi: Từ khi thành lập, Quán Chiêu Văn đã có định hướng rõ ràng là hoạt động giao lưu, sáng tác văn chương và hoạt động hướng ra cộng đồng. Về hoạt động cộng đồng, diễn đàn đã tổ chức nhiều hoạt động như xây nhà tình nghĩa, quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, các hoàn cảnh khó khăn đặc biệt hoặc hàng hóa, quần áo, giày dép… cho học sinh vùng sâu, vùng xa.

Việc tặng sách xuất phát từ sự hưởng ứng phong trào văn hóa đọc, là một nội dung thường xuyên, được chúng tôi chia theo hai mảng: văn hóa cộng đồng và học sinh miền núi, các trường có hoàn cảnh đặc biệt như trường SOS. Với sự hưởng ứng rất tích cực của đông đảo mọi người cả trong và ngoài diễn đàn, từ năm 2019 đến nay, Quán Chiêu Văn đã có 13 đợt tặng sách với hơn 20 nghìn cuốn các loại cho học sinh các trường miền núi ở các tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Thái Nguyên, Nghệ An, Thanh Hóa, Gia Lai, Lâm Đồng… và một số trường SOS của Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa… Ngoài ra còn có sách tặng cho nhà văn hóa cộng đồng, bệnh viện ở một số địa phương.

PV: Xã hội thường biết đến nhiều hoạt động tặng sách nhưng không phải lúc nào cũng hình dung những món quà đó có nội dung gì. Việc chọn sách cũng đòi hỏi rất cao cái tâm của những người tặng sách. Với trường hợp Quán Chiêu Văn thì thế nào, thưa nhà văn?

Nhà văn Trịnh Đình Nghi: Với học sinh, chúng tôi chủ yếu chọn các loại sách phù hợp lứa tuổi và kiến thức của các em như sách thiếu nhi, sách văn học, sách kỹ năng, tham khảo, giáo khoa… Riêng về sách thiếu nhi, diễn đàn đã tổ chức hai cuộc thi “Viết truyện thiếu nhi”. Trong hàng trăm tác phẩm tham gia, chúng tôi đã chọn những tác phẩm chất lượng cao và tổ chức xuất bản hai bộ truyện thiếu nhi của diễn đàn để tặng cho học sinh miền núi. Diễn đàn cũng đã tham gia vào chương trình sách thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam. Sách tặng cho các nhà văn hóa cộng đồng, các bệnh viện đều được chọn theo gợi ý, đề nghị của đơn vị được tặng để phù hợp nhu cầu đọc, khai thác.

PV: Bên cạnh đó thì câu chuyện hiệu quả sau tặng sách cũng quan trọng không kém. Diễn đàn có tiếp tục liên lạc với nơi được tặng, có sự quan sát chung và rút ra những kinh nghiệm gì để việc tặng sách được tốt hơn?

Nhà văn Trịnh Đình Nghi: Phong trào văn hóa đọc trong những năm gần đây đã được phát động khá mạnh mẽ và có hiệu quả đáng mừng. Tặng sách đã là một hoạt động khá sôi nổi và rộng rãi, mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, cũng có lúc, có nơi còn mang tính phong trào, hình thức. Có nơi mua hoặc quyên góp sách một cách tùy hứng theo ý chủ quan của mình, ít tìm hiểu nhu cầu đọc, khai thác, sử dụng của nơi được trao tặng, dẫn đến lãng phí và phiền hà, bỏ đi thì không đành mà để thì không có nhu cầu, không có giá trị khai thác sử dụng. Chúng tôi không xác định làm để lấy hình ảnh mà chỉ tặng cho nơi nào cần. Vì vậy, trước khi thực hiện, chúng tôi căn cứ vào đề nghị xin sách của đơn vị hoặc trường nào đó. Nếu chủ động tổ chức thì chúng tôi cử thành viên khu vực đến khảo sát thực tế về nhu cầu số lượng, thể loại sách của đơn vị như trường học, bệnh viện, nhà văn hóa cộng đồng thì cần loại sách gì. Từ đó để vận động góp, mua sách theo đúng yêu cầu.

Đáng mừng là diễn đàn đã nhận được phản hồi rất tích cực của người được tặng với thông tin sách được khai thác, sử dụng tốt. Có lần tặng sách cho một bệnh viện ung bướu ở Nghệ An, các bệnh nhân ung thư tâm sự rất cảm động: “bị ung thư thì tâm lý buồn chán lắm, nằm điều trị ở viện mà có tủ sách để đọc thì thấy quên đi bệnh tật, thấy vui, đỡ chán nản”. Qua đó để thấy, hãy xem tặng sách là một sự sẻ chia và gom góp niềm vui, mang lại giá trị kiến thức nhất định cho mọi người. Để không phải lãng phí và hình thức, phiền hà thì nên tặng đúng nơi, đúng đối tượng, đúng nhu cầu, đúng chỗ cần. Như vậy, việc tặng sách sẽ mang lại hiệu quả đáng trân trọng.

PV: Cùng với Nhà nước, thì đang có nhiều hình thức “nhân dân cùng làm” trong việc lan tỏa văn hóa đọc. Ông nhận thấy cần có chính sách, cơ chế gì để thúc đẩy xu hướng “thiện nguyện sách”?

Nhà văn Trịnh Đình Nghi: Việc phát triển, nâng cao văn hóa đọc trong thời đại công nghệ hiện nay là chủ trương hết sức đúng đắn. Cùng với chỉ đạo chung của Nhà nước, các ban, ngành, các tổ chức chính thống thì các nhóm, hội, cá nhân cũng có sự đóng góp rất đáng ghi nhận. Chúng ta biết, trên hệ thống mạng xã hội, cũng như trên thực tế hiện nay có rất nhiều nhóm, hội hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động xã hội… Các hoạt động hướng về cộng đồng của các nhóm, hội ấy đều trên tinh thần tự nguyện, phi lợi nhuận nhưng luôn mang đến sự chung tay chia sẻ với cộng đồng một cách rất kịp thời với những giá trị hiệu quả to lớn mà không thể kê tính được. Từ những hoạt động như hiến máu, vì người nghèo, khắc phục thiên tai, dịch bệnh… cho đến hoạt động vì văn chương, văn hóa…

Đó là tiềm năng lớn, một mảng đóng góp xã hội rất cần được quan tâm, khích lệ, cổ vũ và có sự định hướng đúng đắn để góp phần cùng với Nhà nước lan tỏa tinh thần chia sẻ, mang lại nhiều lợi ích và niềm tin đến cộng đồng. Có lẽ khi người ta đã tự vận động nhau tặng sách, góp tiền mua sách thì đều tự nguyện đóng góp, không có ý “xin thêm” của Nhà nước nữa. Nhưng ở một khía cạnh, nên có sự ghi nhận, cổ vũ kịp thời. Đặc biệt là nên có sự mời gọi, hợp tác, chỉ dẫn của Nhà nước, địa phương, ngành xuất bản… để những món quà sách từ các nguồn lực trong xã hội lan tỏa được nhiều hơn, đến đúng nơi, đúng người cần sách.

PV: Trong tháng 4 này sẽ diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Ngày sách và bản quyền thế giới 23/4. Ông có hiến kế, gợi ý gì cho các hoạt động trong dịp này?

Nhà văn Trịnh Đình Nghi: Thực tế những năm vừa qua cho thấy, phong trào văn hóa đọc đã được quan tâm chỉ đạo và thực hiện rất tích cực, khơi dậy và lan tỏa tình yêu đọc sách trong mỗi người, nhiều hoạt động đã mang lại hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, đọc sách là một nhu cầu tự thân của mỗi người, không thể kéo níu người đọc sách bằng khẩu hiệu hay những hình thức tuyên truyền vận động thông thường.

Cần có những nghiên cứu sâu để đánh giá về nguyên nhân, thực trạng, cũng như nhu cầu, tâm lý, thị hiếu… về văn hóa đọc. Từ đó để xác định các phương hướng, cách thức, giải pháp như: quan tâm đầu tư đúng trọng tâm về sáng tạo, tác phẩm, nhu cầu, thể loại…; các cơ quan quản lý, các NXB, đơn vị phát hành và ngay cả đội ngũ tác giả cũng cần có sự tương tác mạnh mẽ, cầu thị về các vấn đề tác giả, tác phẩm, công chúng; tăng cường kiểm soát chất lượng sách, tác phẩm để hạn chế việc in ấn xuất bản tràn lan những tác phẩm, sản phẩm sách kém chất lượng… Đồng thời, việc tổ chức các chương trình hoạt động phát triển văn hóa đọc không chỉ theo ngày, theo đợt mà phải đa dạng, tiện lợi, hấp dẫn, thường xuyên liên tục.

PV: Chân thành cảm ơn nhà văn Trịnh Đình Nghi về những chia sẻ và gợi mở!