Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho gia súc

Trong bối cảnh dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và các loại dịch bệnh khác vẫn đang diễn biến phức tạp, tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát tình hình.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc.

1/Hiện nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm như viêm da nổi cục trên trâu bò, cúm gia cầm, lở mồm long móng trên gia súc, dịch tả lợn châu Phi… cùng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi vẫn còn tồn tại trong môi trường. Đặc biệt ở thời điểm này, trên địa bàn Bình Định đang diễn ra nắng nóng khắc nghiệt, thỉnh thoảng xảy ra mưa rào. Đây là các điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh, đe dọa sức khỏe cũng như tính mạng đàn vật nuôi.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho biết, chúng tôi đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị UBND các địa phương tăng cường chỉ đạo công tác quản lý chăn nuôi, tái đàn và phòng ngừa dịch bệnh. Trong đó, tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh cho các trường hợp chăn nuôi nhỏ lẻ và tiêm phòng dại chó mèo; tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh động vật chăn nuôi. Cùng với đó, tổ chức kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh, kịp thời phát hiện để phối hợp triển khai biện pháp chống dịch, hạn chế lây lan.

Hiện, Chi cục đang tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh cho gia súc, chăn nuôi an toàn sinh học và hợp tác nhằm phát hiện, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh. Trong đó, việc phân công lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn liên tục được thực hiện để phối hợp các địa phương hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh, nắng nóng cho vật nuôi, kịp thời phát hiện, phối hợp bao vây, xử lý dịch bệnh. Đặc biệt, tăng cường kiểm dịch tại gốc, kiểm soát hoạt động xuất, nhập gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn; kiểm tra, phúc kiểm tại các chốt kiểm dịch đầu mối giao thông và kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ động vật, nhất là cơ sở nhỏ lẻ.

2/Trước đây, công tác tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên trâu, bò ở Bình Định đạt tỷ lệ chưa cao do cơ chế chỉ hỗ trợ 50% chi phí tiêm phòng, 50% còn lại người chăn nuôi phải đối ứng nên nhiều khi họ thường lơ là việc tiêm chủng phòng bệnh cho gia súc. Nhưng từ nay, người chăn nuôi tại Bình Định đã có thể yên tâm tái đàn, bởi theo văn bản 114 /UBND-KT của UBND tỉnh Bình Định ngày 5/1/2024 về cơ chế hỗ trợ vaccine và tiền công tiêm phòng vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh nêu rõ, từ năm 2024 trở đi, người chăn nuôi trâu, bò sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua vaccine viêm da nổi cục để tiêm phòng cho vật nuôi.

Theo đó, người chăn nuôi ở ba huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua vaccine viêm da nổi cục. Còn với huyện trung du Hoài Ân, sẽ được ngân sách tỉnh chi trả 75% kinh phí mua vaccine, ngân sách huyện chi trả 25% kinh phí còn lại. Đối với các huyện, thị xã còn lại, ngân sách tỉnh Bình Định chi trả 50% kinh phí mua vaccine, 50% kinh phí còn lại do ngân sách các huyện, thị xã chi trả. Riêng thành phố Quy Nhơn, ngân sách thành phố bảo đảm chi trả 100% kinh phí mua vaccine để hỗ trợ cho người chăn nuôi.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cho biết, để hạn chế tình trạng dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, Bình Định đã mua hàng chục nghìn liều vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục để tiêm phòng cho đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh trong vùng, địa phương; thực hiện các biện pháp phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ vaccine, cũng như vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Từ đó, chủ động phát hiện, kịp thời khai báo dịch bệnh với nhân viên thú y cấp xã, chính quyền địa phương để phối hợp xử lý, tuyệt đối không bán chạy, giết mổ gia súc, gia cầm bệnh.

Ngân sách tỉnh còn hỗ trợ 100% chi phí tỷ lệ hao hụt vaccine (3%) tiêm phòng trên toàn địa bàn. Về kinh phí tiền công tiêm phòng, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 100% cho người chăn nuôi trâu, bò ở ba huyện miền núi An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh.