Tăng cường giám sát, bảo vệ cây xanh

Cuối cùng thì ba cây sưa đỏ bị chết nằm rải rác quanh hồ Gươm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đã được chặt hạ vào sáng 24/5.
0:00 / 0:00
0:00

Trong đó cây đối diện ngã ba Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng, gần cầu Thê Húc khá to, gốc có đường kính 59cm, cao 12m.

Chuyện những cây quanh hồ Gươm, trong đó có ba cây sưa đỏ quý hiếm bị chết đã được nhiều người biết. Thậm chí, những du khách khi đi quanh hồ cũng ngạc nhiên vì sao cây chết khô mà lại không chặt hạ, bảo đảm an toàn cho du khách. Bởi hồ Gươm hằng ngày có rất đông du khách đến tham quan, ngoài ra người dân cũng hay tụ về để thể dục, hóng mát. Đặc biệt, cuối tuần quanh hồ tổ chức phố đi bộ cho nên nhiều phụ huynh cũng khá băn khoăn khi cây chết khô không được chặt hạ kịp thời có thể gây tai nạn cho trẻ nhỏ.

Thế nhưng, với những người quản lý, họ cũng có lý do. Như với ba cây sưa đỏ chết, vì loài cây này thuộc nhóm 1A trong sách đỏ Việt Nam, có giá trị kinh tế cao và bị cấm khai thác dưới mục đích thương mại từ năm 1994. Do vậy ngay cả khi cây chết thì việc khai thác cũng phải tuân thủ quy định.

Song, có một câu hỏi đặt ra là vì sao ba cây sưa này bị chết? Một số người sống quanh khu vực cho biết rằng, quanh hồ có rất nhiều cây xanh, trước đây đang sinh trưởng bình thường. Vậy nhưng, sau khi các đơn vị thi công kè lại bờ hồ bằng những khối bê-tông và chung quanh bờ hồ được quy hoạch lại, lát đá mới thì nhiều cây xanh đã bị chết.

Chuyện ba cây sưa đỏ bị chết quanh hồ Gươm khiến nhiều người nhớ tới cách đây chừng hai năm, khi thi công nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt, cũng xảy ra hiện tượng nhiều cây sưa bị chết khiến nhiều người tỏ sự tiếc nuối.

Điều này đòi hỏi các đơn vị hữu quan cần tăng cường giám sát, sớm có những giải pháp bảo vệ, chăm sóc kịp thời cây xanh. Có như vậy, hệ thống cây xanh ở Thủ đô mới được bảo tồn và luôn tỏa bóng mát phục vụ cuộc sống con người…