Bảo tồn làng cổ

Mới đây, trở lại Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), không gian văn hóa và di tích danh tiếng ra cả nước ngoài, chúng tôi cứ băn khoăn những suy nghĩ đan xen.
0:00 / 0:00
0:00

Ngẫm ra, thấy hiện trạng địa chỉ bảo tồn và phát triển du lịch này như một thí dụ tiêu biểu cho nhiều không gian khác tương tự. Hoạt động du lịch được chấn chỉnh, đổi mới nên nhìn chung đỡ lộn xộn, ồn ào hơn trước. Dịch vụ tham quan, ăn uống, bán đồ lưu niệm ở một số nhà cổ và di tích được chăm lo vệ sinh, phong phú, chu đáo hơn. Đường đi lối lại cũng thuận tiện… Những điểm cộng đó giúp cho khu làng cổ Đường Lâm thêm khách, người dân thêm việc và tăng thu nhập.

Nhưng Đường Lâm đang khác trước thêm nhiều quá! Cuối những năm 2000 trở về trước nơi này còn giữ được không gian thoáng đãng của đình, chùa với bóng cây tỏa ra những ngõ cũ, dãy nhà thấp từ nhà cổ cho đến nhà xây dựng sau này nhưng hạn chế chiều cao. Nhưng mười mấy năm qua, bộ mặt Đường Lâm biến đổi như một cuộc đảo ngược với hàng loạt nhà bê-tông, nhà cao vài tầng mọc lên gần nhau, gần, sát những ngôi nhà cổ, những di tích lâu đời như đình, chùa, miếu, giếng, nhà thờ… Đối chọi về hình dáng, mầu sắc; tranh giành về không gian; hàng loạt nhà bê-tông tiếp tục phá vỡ tổng thể không gian văn hóa làng cổ.

Tình trạng này chẳng mới! Nhiều năm qua, Đường Lâm vẫn đối mặt với mâu thuẫn nan giải vừa muốn bảo tồn, phát triển du lịch, vừa phải đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của lượng người đông thêm lên. Thị xã, thành phố đã vào cuộc nhưng chậm chuyển biến. Vì thế tình trạng đó vẫn tiếp tục là câu hỏi ngày càng gay gắt của hiện tại. Đường Lâm và nhiều làng cổ khác như Vân Từ (Phú Xuyên), Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm), Cự Đà (Thanh Oai) và nhiều làng quê khác đã giảm dần sự mềm mại, dung dị của dáng dấp truyền thống để trở nên gồ ghề hơn, góc cạnh hơn, lộn xộn hơn và sặc sỡ hơn. Tinh thần, sắc thái cổ truyền suy giảm và trong những nét mới khiên cưỡng đang tiềm ẩn nhiều hơn những nguy cơ va đập, mai một, mất mát. Điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề xã hội, tác động xấu đến đời sống của người dân, kìm hãm khả năng phát triển du lịch chứ không chỉ thuần túy ở khía cạnh bảo tồn, giữ bản sắc văn hóa.

Đừng để bê-tông lấn dần làng cổ. UBND các cấp, ngành văn hóa, du lịch cần tích cực hợp tác với người dân trong các làng cổ nghiên cứu giải pháp thích hợp bảo đảm hài hòa nhu cầu xây dựng phục vụ sinh hoạt với việc bảo tồn phục vụ đời sống văn hóa, hoạt động du lịch, thúc đẩy kinh tế-xã hội. Quy hoạch quỹ đất để giãn dân; tìm giải pháp kiến trúc, xây dựng thông minh bảo đảm không phá vỡ kết cấu và phối cảnh không gian nhà cổ; ràng buộc bằng quy định pháp lý để bảo vệ nhà cổ, làng cổ chặt chẽ hơn; phát huy cơ chế Nhà nước, địa phương và nhân dân cùng làm để cùng nâng cao trách nhiệm với nhà cổ, làng cổ… Những cách như thế, cần áp dụng cho phù hợp và linh hoạt chứ đừng thấy khó mà buông xuôi…