Xây dựng văn hóa tham gia giao thông

Những ngày qua, thông tin chung quanh tình hình doanh thu bia, rượu sụt giảm cũng trở nên một đề tài được bàn luận.
0:00 / 0:00
0:00

Cũng không phải đến nay mà cả năm, đây đó cũng nói về việc bia, rượu không bán được, khó bán, chậm tiêu thụ; quán xá, nhà hàng kinh doanh khó khăn do thưa vắng khách. Tâm lý sợ bị phạt đã ảnh hưởng đến nhiều người dân, nhất là các đấng mày râu, khiến cho việc liên hoan, giao lưu có uống nhiều bia, rượu hay là “tạt qua làm cốc bia rồi về” đã giảm hẳn.

Đã có nhiều bàn tán, ý kiến chung quanh đề tài này. Nhưng một thực tế thấy rõ là tình hình tai nạn giao thông liên quan đến việc sử dụng đồ uống có cồn đã giảm. Và việc điều chỉnh trong việc uống bia, rượu với sự đi lại với nhiều người đã có cân nhắc hơn, hướng về việc bảo đảm an toàn hơn. Thí dụ đã uống rồi thì gọi xe hay nhờ chở về, không tự lái xe kẻo bị phạt. Đi liên hoan hay về quê ăn cỗ thì không uống rượu, bia hoặc giảm lượng uống đi để cho hết hơi cồn mới dám cầm lái (không biết có hết được không nhưng đó cũng là một cách). Và cũng dần dần bớt các cuộc lai rai, giảm bớt thời gian ngồi nhậu ở ngoài; có thể uống ở nhà “cho lành”.

Việc giữ nguyên các quy định hiện hành làm cơ sở cho việc xử lý nghiêm những vi phạm đang cho thấy tác dụng của nó. Nhiều ý kiến cho rằng, sẽ là khôi hài và đầy nguy cơ khi để bán được bia, rượu, kinh doanh được đồ uống và quán nhậu thì phải “nới” quy định. Vấn đề liên quan đến sức khỏe, thậm chí tính mạng con người, cũng hết sức hệ trọng bên cạnh câu chuyện doanh thu. Đó còn là vấn đề văn hóa, văn minh trong lối sống, hành vi của bản thân và khi tham gia vào đời sống chung.

Vì thế, hiệu quả giảm tai nạn, giảm va chạm, xung đột, lộn xộn do một phần nguyên nhân từ rượu, bia là rất cần phát huy. Trước mắt, nên để xã hội dần có sự thích ứng linh hoạt bằng những điều chỉnh như vài thí dụ trên, bằng những cách khác nữa bảo đảm tôn trọng luật pháp, giữ gìn trước hết là sức khỏe, lối sống của mỗi cá nhân, gia đình cho đến nhóm bạn bè, cơ quan, đơn vị…