Qua nhiều phường, quận Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, dễ nhận thấy rất nhiều, có khi liên tục, nối tiếp nhau các quán ăn, quầy hàng nhỏ, những xe đẩy có tủ đựng đồ ăn với những dãy bàn ghế nhựa, gỗ, có khi la liệt trên hè. Khách ăn rất đa dạng, từ “dân” văn phòng đến những người lao động chân tay, chạy xe, trông xe, bảo vệ, người buôn bán nhỏ… Hàng giải khát cũng tương tự với cà-phê, nước hoa quả và vô vàn nước uống đóng lon, chai…
Người quá đông, việc về nhà ăn cơm tốn thời gian, công sức, các nhà hàng, quán xá quy mô thường có những phân khúc khách hàng nhất định. Sự nở rộ quán ăn uống bình dân cũng đáp ứng được đáng kể nhu cầu đại chúng. Tuy vậy, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh thực phẩm trong điều kiện bán hàng, chế biến và ăn uống trên vỉa hè. Nhất là vào những thời điểm mật độ xe tham gia giao thông cao, càng nhiều khói, bụi. Và thực tế hiện nay, thường xuyên trên nhiều tuyến đường của các thành phố lớn xảy ra ùn ứ, tắc nghẽn giao thông, nên sự ô nhiễm là thường trực, cộng với thời tiết bất thường, nắng nóng, nồm ẩm, ngành y đã nhắc nhở phòng, tránh bệnh truyền nhiễm, bệnh tiêu hóa... Việc ăn uống trong những không gian, điều kiện như thế, thật khó bảo đảm an toàn.
Đặt vấn đề tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng thức ăn, thực phẩm, đồ uống đối với những quán xá nhỏ lẻ như thế, liệu có hơi “quá đáng” và gây phiền toái cho những người bán hàng và khách chăng? Thực tế, nhiều người cũng chỉ có điều kiện buôn bán nhỏ lẻ, buộc phải lấy không gian công cộng làm chốn mưu sinh, mặc dù nhìn từ khía cạnh quy định thì cũng chính là lấn chiếm, dù ít dù nhiều. Việc kiểm tra nếu thấy mất vệ sinh, nếu không đạt yêu cầu an toàn thực phẩm, thì coi như “ăn” phạt, hoặc nhắc nhở, và cũng phải bỏ đi, mất vốn, mất lãi. Nghĩ thế cũng đáng ái ngại! Nhưng hướng tới mục tiêu bảo đảm vệ sinh thực phẩm, đồ uống; kinh doanh sạch, lành mạnh, văn hóa trong môi trường đô thị văn minh, an toàn thì cần phải bám sát, rà soát kỹ, cẩn thận các loại hình kinh doanh, dịch vụ dù quy mô hay nhỏ lẻ, ít tiền. Việc giữ gìn uy tín của người bán hàng cũng chính là điều kiện quan trọng để phục vụ khách bảo đảm chất lượng và kinh doanh bền vững, mưu sinh được lâu dài.
Để bảo đảm chất lượng vệ sinh thực phẩm đường phố rất cần những hình thức kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn cần thiết của liên ngành quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế và cơ quan chức năng địa phương đối với hoạt động kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ xuất hiện ở khắp nơi này. Tất nhiên, phải thực hiện gọn gàng, đơn giản về thủ tục và nghiêm ngắn, minh bạch, tránh làm nảy sinh những hành vi tiêu cực, tham nhũng vặt hoặc những thứ “giấy phép con” gây khó cho người dân.