Bảo đảm chất lượng sống ở đô thị

Thời gian gần đây, giá căn hộ chung cư tăng cao ở các đô thị lớn khiến cho giấc mơ an cư của bao đôi vợ chồng trẻ, bao nhiêu người lao động bình dân mong có chỗ trú chân ổn thỏa nơi thành phố ngày càng trở nên khó trở thành hiện thực.

Không chỉ giá căn hộ ở phân khúc trung, cao cấp, mà ở mức bình dân hơn, thấp hơn, căn hộ thuộc loại cũ giá cũng tăng lên.

Vấn đề nhu cầu của người mua, giá cả, khả năng cung ứng, biến động của thị trường… còn được mổ xẻ nhiều dưới góc độ kinh tế. Những giải quyết trong tương lai có thể cũng theo những hướng tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy năng lực phục vụ của các doanh nghiệp xây dựng; rà soát, có tác động nhằm điều chỉnh giá cả cho gần hơn khả năng mua của người lao động; thậm chí là có can thiệp, xử lý những trường hợp thiếu minh bạch, có dấu hiệu vi phạm pháp luật…

Nhưng nhìn từ góc độ xã hội, chăm sóc đời sống đô thị, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng, thì hiện tượng giá căn hộ tăng tiếp tục cảnh báo những vấn đề rất đáng lo ngại. Đó là nhu cầu đổ về khu vực nội đô để sống và làm việc còn rất cao. Đó là tốc độ giãn dân, giãn các công trình xây dựng ra các khu vực ngoại thành còn chậm. Đó là bài toán quá tải nội đô, thậm chí là quá tải các quận mới vốn được phát triển lên từ huyện, sẽ còn lâu mới giải quyết được, thậm chí sẽ càng thêm nan giải. Đó cũng là việc mở rộng đầu tư, định hướng thúc đẩy sản xuất, sinh sống ra các vùng ngoại thành nhằm tạo sự phát triển tương đối đồng đều giữa các khu vực vẫn còn hạn chế…

Tình hình giá căn hộ tăng rất có thể là một trong những hiện tượng sẽ còn tiếp tục xuất hiện hay tái diễn căng thẳng hơn. Nó cho thấy hệ lụy của tình trạng đô thị hóa tràn lan, quá tải xây dựng, chậm giải tỏa áp lực đô thị. Cũng là hệ quả của hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, quản trị xã hội. Từ đó, đòi hỏi những giải pháp mới, tiến bộ và nhân văn vì mục tiêu bảo đảm cho cộng đồng theo hướng tạo thêm không gian sống, làm trong sạch hơn môi trường sống, tạo thuận lợi hơn cho việc di chuyển, vui chơi, giải trí của người dân. Ngoài ra, chính các đô thị mới, phường, quận mới cũng cần nhìn vào khu vực nội đô, vùng trung tâm để tránh mắc phải những hạn chế đã có, những thực trạng chưa giải quyết được. Đó mới là định hướng bền vững, lâu dài cho đời sống người dân cả một đô thị rộng lớn.