Cảnh giác với chiêu trò quà tặng

Hôm trước, tình cờ thấy người thân xuất hiện trên tivi, các con tôi gọi điện về thông báo để cả gia đình kịp thời xem chương trình phát sóng.
0:00 / 0:00
0:00

Đang tưởng tượng bà cụ ngoài tám mươi ấy có mặt ở trong một chương trình văn hóa hay giải trí nào đó dành cho người cao tuổi, cả nhà tôi háo hức chờ xem. Nhưng thật bất ngờ, bà cụ lại xuất hiện trong một phóng sự với vai trò là nạn nhân nói về những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của một nhóm người lạ mặt. Nạn nhân của cú lừa ấy đa phần là những ông bà già, những người phụ nữ nội trợ ở một vùng quê có nền kinh tế đang trên đà phát triển. Những đồng tiền dành dụm chắt bóp đã lâu không dám tiêu pha gì trong giây lát đã không cánh mà bay, còn lại chỉ là một mớ hàng kém chất lượng được mua với giá cao ngất ngưởng. Và bà cô tôi cũng nằm trong nhóm người bị lừa ấy.

Xem hết phóng sự đó, tôi cầm điện thoại gọi cho cô em, con gái của bà cụ để hỏi rõ ngọn ngành và xem bà có bị lừa mất nhiều tiền không. Cô em tôi cho biết, do cụ thường ngày ở nhà và đã quá tuổi lao động nên số tiền trong túi cũng không có nhiều. Chủ yếu là còn tiền do dịp Tết con cháu vừa mừng tuổi chưa tiêu hết nên nay bị dụ dỗ mua cái thẻ “niềm vui”. Qua câu chuyện, tôi được biết còn có khá nhiều các bà, các cô móc hết tiền tiết kiệm ra để đặt mua sản phẩm với hy vọng sẽ được tặng nhiều phần quà hấp dẫn. “Niềm vui” đâu chưa thấy, chỉ thấy bị con cháu rầy la, xóm giềng chế nhạo vì “già rồi mà còn dại” hoặc”tham thì thâm” khi đám người kia ôm tiền biến mất. Bà cô tôi vừa buồn vừa xấu hổ, giờ đang tránh mặt con cháu mỗi khi có ai đó muốn hỏi thăm vụ việc.

Điều ngạc nhiên của tôi cũng như nhiều người sau khi vụ việc này xảy ra là vì sao ở một nơi dân cư đông đúc, người dân tuy sống ở nông thôn nhưng cũng khá sành sỏi và biết tính toán làm ăn kinh tế mà cũng vẫn dễ dàng mắc phải những cú lừa như vậy. Với những thủ đoạn tinh vi và không kém phần trắng trợn, bọn lừa đảo luôn nhắm tới những đối tượng là người già, những người làm nội trợ ít va chạm và ít hiểu biết xã hội. Chúng cũng lợi dụng lòng tin của người dân bằng những lời quảng cáo đường mật, những món quà tặng hấp dẫn và những món hàng giá hời không mua nhanh là hết. Những tờ rơi do chính quyền địa phương phát đến tận các gia đình trong xã nhằm nhắc nhở người dân nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo xem ra vẫn chưa đủ.

Hơn ai hết, chính người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước những chiêu trò ngày càng tinh vi của các đối tượng xấu, đồng thời không nên tham rẻ hoặc chờ đợi những món quà tặng “trên trời rơi xuống”, tránh bị mất tiền oan, hay rước vào người những bực dọc không đáng có.