Thu gom cũng phải có kế hoạch

Mấy ngày qua, nhiều phụ huynh ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) vừa nháo nhào đi thu gom vỏ lon bia, chai nhựa, gom cho con mang đến lớp nộp tham gia xây dựng “Nhà phân loại rác thân thiện”. Mỗi học sinh đóng góp tối thiểu 20 vỏ lon bia, nước ngọt, hoặc vỏ chai nhựa.
0:00 / 0:00
0:00

Đây là hoạt động có ý nghĩa, vì số tiền bán phế liệu sau đó được sử dụng vào mục đích xã hội thiết thực. Trước, trong và sau Tết, các gia đình đều ít nhiều có sử dụng bia, nước ngọt và các loại nước đóng chai thì việc khuyến khích học sinh thu gom lại, nộp cho nhà trường, nhà trường nộp lên quận là điều đáng làm. Chỉ có điều, nhiều phụ huynh than thở rằng, cảm thấy áp lực vì kế hoạch này được thông báo sau Tết, khi học sinh trở lại trường. Nghĩa là, rất nhiều vỏ lon, vỏ chai nhựa đã bị bỏ ra thùng rác rồi và bây giờ khi trường thông báo kế hoạch thì các em học sinh không biết thu gom từ đâu nên lại… đổ lên đầu bố mẹ.

Một số phụ huynh thì cố gắng thu gom khi đi bỏ rác, hoặc xin các gia đình chung quanh; một số khác phải ra hàng đồng nát mua lại. Và cái “vòng luẩn quẩn” ấy xảy ra ngay những ngày đầu năm khiến nhiều phụ huynh cảm thấy không vui. Lẽ ra, phong trào này nên phát động trước khi học sinh nghỉ Tết, để các em có ý thức thu gom sớm. Đồng thời, nhà trường cũng cần hướng dẫn các em xử lý qua các vỏ lon, vỏ chai nhựa để gọn gàng khi mang tới lớp, cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường. Có như vậy, mới rèn được kỹ năng cho học sinh...

Từ câu chuyện này, nhiều người cũng liên tưởng tới phong trào “kế hoạch nhỏ” được phát động mỗi năm 2 lần vào cuối các học kỳ. Đây là phong trào đã có từ lâu. Sẽ rất hay, nếu như nhà trường, cơ sở giáo dục thường xuyên nhắc nhở các em biết chia sẻ, thu gom giấy vở cũ, không sử dụng, hoặc những rác thải có khả năng tái chế quanh mình… Thế nhưng, với những gì diễn ra gần đây, phụ huynh đang phải tham gia trực tiếp vào phong trào kế hoạch nhỏ của các con.

Bởi lẽ, cùng với phát động phong trào, các giáo viên chủ nhiệm thường “giao chỉ tiêu” cho từng học sinh. Giáo viên chủ nhiệm cũng nhắn tin vào nhóm lớp để phụ huynh “hỗ trợ cho lớp hoàn thành nhiệm vụ”. Học sinh nào buổi sáng chưa nộp kế hoạch nhỏ thì cô giáo lập tức nhắn tin vào nhóm lớp, lưu ý phụ huynh chiều đón con thì mang kế hoạch nhỏ đến lớp.

Để những phong trào như kế hoạch nhỏ hoặc thu gom phế liệu như chai nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt thật sự phát huy ý nghĩa, rèn luyện kỹ năng, tinh thần vì cộng đồng cho học sinh, các nhà trường, cơ sở giáo dục cần thực hiện bài bản, hướng tới ý nghĩa giáo dục sâu sắc, hơn là hướng đến các con số mang tính thành tích.