Về sự ra đời tác phẩm, nhà thơ Trần Nhuận Minh chia sẻ: “Một chiều cuối tháng 4/1979, trên đường đi thực tế sáng tác ở biên giới phía bắc, tình cờ tôi được đọc một mẩu tin trên Báo Nhân Dân, về một nữ công nhân lâm trường đã đưa giặc vào bãi mìn”. Mấy dòng tin đã khiến nhà thơ xúc động, ám ảnh. Ông viết một mạch xong bản trường ca, sau đó đăng báo và in trong tập thơ “Thành phố bên này sông” của ông năm 1982. Lần in lại này, ông bộc bạch trong sách: “Tôi rất biết ơn Báo Nhân Dân đã cho tôi tư liệu và nguồn cảm xúc để tôi viết được tác phẩm này”.
Tác phẩm xúc động của nhà thơ Trần Nhuận Minh thể hiện những cung bậc tâm trạng của người nữ công nhân lâm trường trên 100 bước cuối cùng của đời mình, khi vờ dẫn quân địch đi tìm lực lượng của ta. Người nữ công nhân sắp được làm mẹ ấy đã dụ địch đi vào bãi mìn có quân ta đang phục kích, chấp nhận hy sinh để tiêu diệt quân xâm lược.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cảm nhận: “Tác giả chọn 100 bước cuối cùng là chọn thời đoạn đỉnh điểm của sự xung đột, làm lóe những vẻ đẹp nội tâm. Được quy định bởi tính chất trữ tình của tác phẩm, tác giả đã chọn một cách viết tương ứng. Đó là sự chân thực và giản dị tối đa… Trần Nhuận Minh đã khép lại trường ca theo kiểu anh hùng ca. Một cái chết bi tráng, cứa vào lòng người biết bao đau đớn và cảm phục”.