Chuyện kể rằng, có một công sở nọ xứ Thổ Nhĩ Kỳ, khi có một giám đốc mới đến nhận việc thay giám đốc cũ đã từ nhiệm thì ông đến lúc 8 giờ sáng, công sở không có một ai, đến 9 giờ sáng người bảo vệ mới tới và khi thấy người lạ thì quát inh ỏi khiến ông phải trình giấy tờ làm rõ thân nhân thì bảo vệ mới thôi. Thế rồi các nhân viên công sở mới lần lượt có mặt.
Vị giám đốc mới quyết lập lại trật tự thì không ai hưởng ứng mặc cho giám đốc làm mọi cách. Thế rồi khi có trát của cấp trên thông báo sẽ có thanh tra đến thì cả công sở hoạt động rầm rập, chưa 8 giờ sáng cả công sở đã có mặt đầy đủ, ai làm việc nấy, guồng máy quay tít, sổ sách được làm cẩn thận, công sở được lau chùi sạch sẽ, người ta còn dọn tiệc để đón thanh tra bằng tiền túi của mình.
Cứ thế không ai bảo ai, đều hăng say làm việc, không cần giám đốc nhắc nhở vì ai cũng sợ thanh tra đến sẽ có người bị đuổi việc hoặc bị điều chuyển sang vùng khác. Khi giám đốc thú nhận rằng trát đó do mình tạo ra và gửi đến chứ chẳng có chuyện thanh tra nào đến cả thì mọi người ồ lên rủa xả ông ta. Thế nhưng từ đấy công việc của công sở cứ chạy đều ai cũng tự giác làm việc.
Đó chính là nội dung tóm tắt truyện ngắn “Thanh tra sắp đến” của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azitnêxin do dịch giả Lê Đức Mẫn dịch trong tập truyện ngắn “Những người thích đùa” của tác giả nói trên. Ông và dịch giả Thái Hà đã cùng dịch cuốn sách qua bản tiếng Nga được NXB Tác phẩm mới ấn hành vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Ông tốt nghiệp Khoa ngoại ngữ ban tiếng Nga của Trường đại học Sư phạm năm 1964. Do hồi đó chủ nghĩa lý lịch còn nặng nề nên ông không được cấp bằng tốt nghiệp và phải đi làm nhân viên thống kê tại Bộ Nông trường lúc đó đóng ở phố Nguyễn Công Trứ, Hà Nội. Thật may cho ông, năm 1965 Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội có quyết định thành lập và chiêu mộ giảng viên các thứ tiếng mà tiếng nòng cốt là tiếng Nga. Dịch giả Đức Mẫn được Trường đại học Sư phạm cấp bằng tốt nghiệp và cử về giảng dạy tiếng Nga tại Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nay là Trường đại học Hà Nội.
Ông làm việc ở đó cho đến lúc về hưu. Hàng nghìn sinh viên khoa Nga ra trường đều nhớ đến thầy giáo Đức Mẫn. Ông là một trong 4 giảng viên giỏi nhất của trường được truyền tụng trong câu: Nhất Thống (thầy Trần Thống), nhì Khôi (thầy Vũ Thế Khôi), tam Thư (thầy Đinh Thư), tứ Mẫn (thầy Đức Mẫn). Ngoài việc dạy các sinh viên học tiếng Nga, ông còn dành nhiều tâm huyết cho công việc dịch thuật. Tác phẩm dịch riêng của ông và tham gia dịch chung đã trên 40 đầu sách. Đặc biệt ông đã được giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2018 cho bản dịch tác phẩm kịch thơ “Khổ vì trí tuệ” của A.Griboedov.
Ông tự hào có lẽ ông là người duy nhất ở Việt Nam đã lặng lẽ dịch hàng chục bài hát Việt sang lời Nga như “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao, “Tình ca” của Hoàng Việt… và ông dự định sẽ in thành sách trong thời gian tới. Trong căn phòng tại khu chung cư Times City, Nhà giáo ưu tú Đức Mẫn say sưa hát cho tôi nghe bài “Tiến về Hà Nội” lời Nga thật xúc động.
Chia tay tôi, ông nắn nót ghi lời đề tặng và trao cho tôi tập thơ “Nhắc quả chuông” do ông sáng tác. Trong đó có bài “Mười điều san sẻ” mà ông tâm đắc: “…./Thứ năm xin thưa-nếu ngọc thể bất an,/ Hãy chiến đấu đến cùng, tiền bao nhiêu không tiếc./Hãy quên đi lo buồn, quên nhân gian, tuổi tác,/Cái gì làm được rồi-sự nghiệp bấy nhiêu thôi./…Thứ chín xin thưa-còn hai chữ để thờ./Cha ông dạy rồi, đó là “Tri túc”./Hiểu nôm na-“Biết thế nào là đủ nhất”/ Nhiều mà chi, lắm cửa, lắm lo toan”.
Hiện ông là Hội trưởng giáo chức về hưu của Trường đại học Hà Nội gồm hơn 400 hội viên. Ông cũng từng hơn 10 năm làm tổ trưởng dân phố như nhà văn Tô Hoài, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.