Còn những bức tranh ngập tràn ánh sáng

Họa sĩ Công Quốc Hà (sinh năm 1955, tại Hà Nội) sau thời gian dài sống ở Thụy Điển, mới trở về Hà Nội hơn hai năm nay. Ông vừa đột ngột rời cõi tạm, bỏ lại căn phòng nhỏ với những bức tranh, các tác phẩm điêu khắc… phản ánh tính cách của ông: Kiên nhẫn, tỉ mỉ và không ngừng tìm tòi, sáng tạo giá trị mới mẻ.
Họa sĩ Công Quốc Hà bên các tác phẩm của mình.
Họa sĩ Công Quốc Hà bên các tác phẩm của mình.

1/Tháng 10/2024, nhẽ ra họa sĩ đã có một triển lãm ấn tượng, nhưng sự kiện ấy chưa diễn ra như dự định. Tôi từng phỏng vấn họa sĩ, ông bồi hồi chia sẻ kỷ niệm với mùa thu Hà Nội, từ con người đến phong cảnh, thời tiết… mọi thứ đều nên thơ, quyến rũ. Hơn 10 năm sống ở nước ngoài, ông muốn chọn tháng 10 triển lãm bởi từ thẳm sâu suy nghĩ, tình cảm luôn dội về cả thời thơ ấu.

Tranh Công Quốc Hà kết hợp tinh tế truyền thống và hiện đại với cảm giác sống động, tương tác mạnh mẽ giữa các yếu tố trong tranh giúp tạo ra chiều sâu của không gian, suy tư, tưởng tượng. Yêu phố, nhớ phố khi ở trong lòng phố, mỗi bức tranh chập chờn kỷ niệm thiêng liêng, tự hào, sâu sắc. Phố trong tranh ông đầy chất thơ. Từng con đường nhỏ, từng ngôi nhà cổ, từng mái ngói rêu phong hay mùa cây trút đều cuốn hút qua đường nét khỏe, ấm. Ông chú ý đến từng khoảnh khắc bình dị mà xúc động. Tranh phố của ông tràn ngập ánh sáng, mà vẫn phảng phất nét mờ ảo, u hoài.

Có lần, ông thẫn thờ nhớ mãi một bức tranh vẽ đêm trăng vắng lặng buông xuống phố Hà Nội giai đoạn đại dịch Covid-19 với một con mèo nhỏ băng qua đường. Một vị khách chiêm ngưỡng ở triển lãm, tìm đến ông, ngỏ ý muốn mua. Họa sĩ nhất mực muốn giữ lại bởi khoảnh khắc ấy đáng nhớ khi ông xa gia đình. Sau này, vị khách kể chuyện, khoảnh khắc trong bức tranh đầy định mệnh bởi gặp được một nửa yêu thương của cuộc đời mình đúng bối cảnh như thế, lúc cả hai ngập tràn cô đơn… thì họa sĩ đồng ý “gả” đi đứa con tinh thần ông từng muốn giữ.

“Một tác phẩm cần thể hiện được thẩm mỹ, tình cảm thời người ta sống. Với tôi, nghệ sĩ cần nhất ba yếu tố: Phong cách cá nhân, hơi thở thời đại và hội nhập quốc tế”, có lần họa sĩ bộc bạch khi giới thiệu những bức tranh khổ lớn mang nhiều nét mới thông qua sử dụng mầu nguyên sắc, mạnh, như một cách nhận diện tín hiệu thời đại. Ngoài 40-50 bức tranh, ông còn có khoảng 20 tác phẩm điêu khắc. Vẫn là thiếu nữ, em bé, đĩa vẽ con giống…, họa sĩ luôn nỗ lực tìm ra nét riêng, vừa đậm đà bản sắc, vừa phù hợp không gian nội thất gia đình, cộng đồng… tạo nên cảm giác sống động và thú vị. Ánh mắt lấp lánh niềm vui, ông “khoe”: “Nhiều bạn trẻ tôi gặp, thấy họ đã có xu hướng cảm nhận, hưởng thụ nghệ thuật và tạo nên những mảng nghệ thuật trong không gian của gia đình, chỗ thì tranh, chỗ thì tượng. Điều đó khích lệ nghệ sĩ sáng tạo”.

2/Tôi đã hỏi: Cuộc sống ở Thụy Điển đầy hứa hẹn, vì sao họa sĩ trở lại và ở lại quê hương? Ông im lặng, rưng rưng ánh mắt. Từ khi trở về đến nay, ông đã tổ chức 3 triển lãm, mấy lần đi thực tế ở Tây Bắc. “Càng đi, càng sáng tác, càng yêu mến Tổ quốc nhiều hơn, càng nhận ra còn bao điều mình chưa khám phá hết. Đó là sự cuốn hút giữa tôi với quê hương, phong cảnh chứ không chỉ là chuyện tranh bán tốt hay không. Ở đâu tôi cũng vẫn sáng tác và bán tranh. Nhưng với đất nước mình, những gì chưa làm được, những gì đang ào về, thì mình phải làm”, ông nói.

Công Quốc Hà luôn mang trách nhiệm và sự ấm áp, chân thành của lớp nghệ sĩ đi trước dành cho giới trẻ. Năm 2022, khi ông tổ chức triển lãm đã chọn cái nôi đào tạo mình là Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp để tri ân thầy, cô giáo, trao đổi với sinh viên bằng trải nghiệm của mình. Ông cũng luôn dành sự tận tụy cho thế hệ họa sĩ trẻ, nhiệt tình kết nối để họ có thêm cơ hội khẳng định mình ở góc độ chuyên môn, thị trường. Có những họa sĩ bất ngờ khi thấy tranh mình được báo này, tạp chí nọ in trên bìa, hỏi ra mới biết chính họa sĩ bậc cha chú đã cất công đến tận tòa soạn giới thiệu tác phẩm, tư vấn tòa soạn sử dụng. Công Quốc Hà cởi mở chia sẻ cả vấn đề bán tranh, vẽ theo đơn đặt hàng và câu chuyện không hề áp lực, luôn coi đó như sáng tác với cảm xúc dạt dào. Cũng có những lời đề nghị nếu thấy không phù hợp thì ông không nhận từ đầu.

Bao dự định của ông với nghệ thuật, với gia đình bè bạn vẫn còn bỏ ngỏ. Dù vậy, ai yêu tranh, mến người đều tin, ở Công Quốc Hà, nghệ thuật là một hành trình chưa thể ngừng lại.

Công Quốc Hà quảng giao, dễ mến và luôn giữ cho mình lối sống dung dị mà thanh nhã. Buổi sáng của ông thường bắt đầu với việc dạo bộ tập thể dục, một bữa ăn nhẹ, sau đó nhâm nhi chén trà, chút kẹo mứt và hăng say làm việc. Ông yêu sự tĩnh lặng dù luôn quan tâm đến mọi người chung quanh. Họa sĩ thường có những món quà nhỏ dành tặng bạn bè, đồng nghiệp. Khi là những bức tranh nhỏ nhắn, đáng yêu; khi là chiếc khăn in tranh mình được đóng gói cẩn thận.