Tác phẩm của Nguyễn Dữ lên sân khấu

Nằm trong chương trình dài hơi Sân khấu học đường, Nhà hát Kịch Hà Nội vừa báo cáo vở kịch “Người con gái Nam Xương” do Giám đốc NSND Trung Hiếu viết kịch bản và dàn dựng. Vở diễn dựa theo truyện “Chuyện người con gái Nam Xương” trong tập “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ, tác phẩm nổi tiếng trong văn học Trung đại Việt Nam, ra đời vào thế kỷ 16.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở diễn.
Cảnh trong vở diễn.

Bám sát cốt truyện, vở được sáng tạo thêm các phần thoại phục vụ cho các cảnh quan tổng đốc và lý dịch về đốc lính; Trương sinh chia tay mẹ và vợ lên đường tòng quân; Trương sinh hiểu lầm, dằn hắt, xua đuổi vợ là nàng Thiết dẫn đến sự ra đi không bao giờ trở lại của nàng; Trương sinh cùng con trai là Đảm gặp linh hồn nàng Thiết bên bến sông.

Cốt truyện xưa cũ, không khí “cổ trang” với không gian làng mạc, tác giả kịch bản kiêm đạo diễn đã có dụng công nhất định trong việc sử dụng lời ăn tiếng nói dân gian, nhiều đoạn thoại thưa gửi, ứng đối nhịp nhàng làm “mềm” sân khấu kịch nói. Tác giả cũng mạnh dạn điểm xuyết một số lời lẽ gần với ngôn ngữ hôm nay, góp phần tạo không khí hài hước, dễ tiếp nhận hơn với đối tượng khán giả là học sinh, thanh, thiếu niên.

Trang phục cho các nhân vật được chuẩn bị kỹ với kiểu dáng gần gũi truyền thống; tông màu chung trầm, nhạt gợi nét dung dị, mộc mạc, “thoát” được lối phục sức bóng bẩy, sặc sỡ hay thấy trong các vở diễn đề tài nông thôn xưa. Vở có cảnh diễn hai cha con Trương sinh gây xúc động. Giữa đêm, trong bóng tối mờ, lúc đang nỉ non khóc nhớ mẹ, Đảm thấy bóng mình trên vách, mừng gọi tưởng là cha mình đến. Trương sinh ngỡ ngàng hiểu ra mình đã rủa xả oan cho vợ. Chàng ùa vào sau màn với con. Bóng hai cha con bên cạnh nhau, chập chờn qua màn trắng, cùng với lời thoại gợi nỗi buồn con nhớ mẹ, chồng thương vợ, xót xa, hoảng loạn, bơ vơ. Mong sao đoạn diễn này được đạo diễn, diễn viên suy ngẫm, sáng tạo thêm nữa về động tác, âm nhạc, làm “căng” thêm trạng thái buồn thương, thê thiết và tâm trạng hối hận đến tột cùng của nhân vật Trương sinh.

Thời gian tới, vở “Người con gái Nam Xương” sẽ được biểu diễn phục vụ học sinh, giáo viên các trường và khán giả nói chung, cùng với một số tác phẩm khác đã có, trên tinh thần đưa văn học lên sân khấu để thế hệ trẻ được “sống thêm” cùng văn hóa dân tộc bằng nhìn, nghe, tương tác một cách sinh động, dễ tiếp cận trong bối cảnh đời sống hiện đại.