110 năm Ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1-3-1906 - 1-3-2016)

Suy ngẫm một số quan điểm của đồng chí Phạm Văn Đồng về kinh tế, tài chính

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử làm Bộ trưởng Tài chính của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Công việc đầu tiên đồng chí phải làm là giải quyết việc chi tiêu nội bộ, nhất là cho các tỉnh. Thông qua sự chỉ đạo sáng suốt, linh hoạt càng thấy rõ quan điểm và tầm vóc của một nhà lãnh đạo; đặc biệt, những quan điểm nhất quán của đồng chí Phạm Văn Đồng đã để lại nhiều bài học quý cả về nhận thức lý luận, cả về chỉ đạo thực tiễn, góp phần làm giàu có tư duy kinh tế của Đảng, có sức sống và giá trị soi đường cho công cuộc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay ở nước ta.

Từ phải sang: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Việt Bắc. Ảnh Tư liệu
Từ phải sang: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Việt Bắc. Ảnh Tư liệu

Sáng tạo trong nhận thức, năng động trong chỉ đạo thực tiễn

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về tài chính: Kho bạc gần như trống không; ngân hàng Đông Dương bị Nhật và quân Tưởng nắm giữ, thao túng; các tỉnh trong cả nước đều thi nhau xóa bỏ các loại thuế, đỡ bớt gánh nặng cho nhân dân, nhất là nông dân; bộ đội, cán bộ lúc này đều do dân tự nguyện nuôi, cung cấp lương thực, thực phẩm; với những công chức giữ lại làm việc trong bộ máy chính quyền cách mạng thì không biết lấy tiền đâu để trả lương; bọn phản động, tay sai, bù nhìn bị giam giữ ta cũng phải nuôi; đặc biệt cần phải có nguồn lực tài chính ngay để mua sắm quân trang, quân dụng, vũ khí cho bộ đội; trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ bề, quân Tưởng lại còn đòi tiếp tế lương thực, thực phẩm, hằng ngày bọn chúng đem tiền quan kim mua hàng của dân, đòi đổi lấy tiền Đông Dương...

Trong bối cảnh đó, chính quyền cách mạng đã giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra cực kỳ linh hoạt, sáng tạo, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Trước hết, trong hai ngày 1 và 2 tháng 10 năm 1945, Ủy ban hành chính Bắc Bộ triệu tập Chủ tịch Ủy ban hành chính các tỉnh cùng bàn bạc, tìm cách tháo gỡ từng bước các khó khăn. Thay mặt Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng đã chỉ rõ các khó khăn, không giấu giếm các vấn đề nan giải phải khắc phục, từ đó xác định rõ chủ trương: Các tỉnh phải tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn, trên tinh thần tự túc, tự lực cánh sinh là chính, trước mắt phải tận thu các nguồn thuế mà Chính phủ chưa có lệnh bỏ, phải vận động gây Quỹ độc lập để giải quyết các vấn đề kinh tế. Trong vòng một tuần, từ 17 đến 24 tháng 9 năm 1945, toàn dân Việt Nam đã tích cực hưởng ứng Tuần lễ vàng của Chính phủ. Kết quả, chúng ta thu được 40 triệu đồng cho Quỹ quốc phòng, 20 triệu đồng cho Quỹ độc lập và 370 kg vàng; đây là một nguồn lực tài chính tạo tiền đề quan trọng trong buổi đầu khó khăn, bị bế quan tỏa cảng của chính quyền cách mạng.

Tiếp đó, việc in tiền giấy của ta được tích cực thực hiện sớm. Lúc này, các tỉnh đều ủng hộ, thông suốt các chủ trương lớn của Chính phủ. Trong một thời gian ngắn, đồng chí Phạm Văn Đồng đã cho phát hành tiền giấy Cụ Hồ. Nhân dân phấn khởi, nhiệt liệt hưởng ứng và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của nền kinh tế, tài chính nước nhà.

Mặt khác, đồng chí Phạm Văn Đồng còn chỉ đạo cho cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước thật sự triệt để tiết kiệm; kêu gọi nông dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nhất là các loại cây lương thực ngắn ngày, tập trung chống đói. Đồng chí mạnh dạn phân cấp rộng rãi cho các tỉnh trong tự túc chi tiêu. Bằng những cách làm cụ thể, sát sao, đầy bản lĩnh, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có đóng góp quan trọng vào giải quyết các nhiệm vụ to lớn, rất phức tạp trong thời gian trứng nước của cách mạng và đặt nền móng cho sự ra đời của nền tài chính Việt Nam.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử làm đặc phái viên của Đảng, Chính phủ tại Nam Trung Bộ. Trong chỉ đạo xây dựng lực lượng, tiêu thổ kháng chiến, đồng chí đã có những quyết định táo bạo, sáng suốt. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, nhân dân đã tích cực tham gia sản xuất, tiêu thổ kháng chiến ở những nơi cần thiết; các trục quốc lộ số 1, số 14, số 19 và các đường liên tỉnh số 5, số 6, số 4 đều bị phá nát, kìm chân quân xâm lược.

Về tài chính, từ giữa năm 1948, được sự nhất trí của Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng đã cho in và phát hành 42.931 triệu đồng Tín phiếu kháng chiến. Đây là một cách làm thiết thực, sáng tạo. Tuy tín phiếu chỉ phát hành trong vùng tự do nhưng đã nhanh chóng chiếm vị trí xứng đáng không chỉ ở vùng căn cứ kháng chiến mà còn được lưu hành rộng rãi ngay cả ở vùng địch kiểm soát. Tín phiếu đã góp phần tích cực trong việc ổn định sản xuất và thể hiện sức mạnh của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Cho tới nay, nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ tấm tín phiếu có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh và chữ ký của đồng chí Phạm Văn Đồng như kỷ vật trang trọng của một thời gian lao, khắc khổ nhưng đầy nghĩa tình và hào khí.

Năm 1953, sau khi ta mở chiến dịch Tây Bắc, Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng chi viện tiền phương, giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng, lúc đó là Phó Thủ tướng Chính phủ, làm Chủ tịch. Đây là một trọng trách lớn lao, đòi hỏi ở người lãnh đạo tầm nhìn chiến lược, đức cao, tài lớn mới có thể hội tụ được sức mạnh của nhân dân, không chỉ ở trong nước mà còn phải tranh thủ được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Vào thời điểm đồng chí Phạm Văn Đồng được giao nhiệm vụ này, thế và lực của ta trên chiến trường đã có nhiều thay đổi so với trước đó. Tuy vậy, vấn đề bảo đảm hậu cần, vũ khí, trang bị cho các chiến trường xa, chiến trường vùng núi vẫn còn là thách thức to lớn đối với chúng ta, vì phương tiện vận tải quá thô sơ, đường xa, nhiều đèo, dốc, khí hậu khắc nghiệt, địch thường xuyên đánh phá ác liệt làm hao tổn nhiều sức người, sức của. Trong khi đó, Điện Biên Phủ là chiến trường có núi non hiểm trở, cách xa hậu phương 500 - 600 km.

Chấp nhận giao chiến với quân Pháp ở Điện Biên Phủ, Đảng và Nhà nước ta đã cử ra mặt trận những đơn vị chủ lực mạnh nhất, đồng thời dốc sức của hậu phương lớn chi viện cho chiến trường có tính chất quyết định này. Việc vận chuyển và tiếp thêm sức mạnh của hậu phương ra tiền tuyến được giao cho Hội đồng chi viện tiền phương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch.

Dưới sự hướng dẫn của đồng chí Phạm Văn Đồng, Hội đồng đã huy động sức người, sức của của nhân dân các tỉnh liên khu 3 và 4, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc. Trong chiến dịch này, hậu phương đã phục vụ và cung cấp 261.453 lượt người, gần 12 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 736 xe thô sơ làm nhiệm vụ vận chuyển 25.056 tấn gạo, 1.824 tấn thực phẩm, 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu và nhiều hàng hóa các loại khác đến chiến trường, bảo đảm cho bộ đội ta đánh thắng quân thù, làm nên một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đồng chí, người bạn chiến đấu gần gũi, thân thiết của đồng chí Phạm Văn Đồng từng xúc động bày tỏ: “Ở Điện Biên Phủ... anh Tô là Chủ tịch Hội đồng chi viện tiền phương, còn tôi là Tổng Tư lệnh kiêm Tư lệnh mặt trận. Sự đóng góp to lớn về sức người, sức của của hậu phương, sự động viên kịp thời của anh đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi chiến đấu...”.

Phát triển kinh tế phải vì lợi ích của nhân dân

Trong quan niệm của đồng chí Phạm Văn Đồng, mọi chính sách kinh tế tài chính đều hướng vào mục tiêu duy nhất: Không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí đã đề xuất nhiều kế hoạch, biện pháp kinh tế sâu sát, tỉ mỉ hướng vào phục vụ kháng chiến, kiến quốc nhưng không quên chăm lo các nhu cầu thiết yếu: Ăn, mặc, ở, đi lại... của nhân dân, vì sự sinh tồn, phát triển của con người. Chính ở đây, đồng chí đã thể hiện rất rõ quan điểm nhân văn hành động, phát triển kinh tế, tài chính không nhằm mục đích tự thân mà vì lợi ích chân chính của con người và bảo đảm các giá trị làm người.

Trong xây dựng kế hoạch kinh tế, đồng chí tính toán rất kỹ các điều kiện thực tế, vạch rõ lộ trình, các bước thực hiện; đặc biệt, đồng chí luôn trăn trở tìm kiếm các giải pháp có tính khả thi để hiện thực hóa các kế hoạch đã vạch ra. Sự am tường lý luận và vận dụng không rập khuôn, máy móc, giáo điều; sự sâu sát thực tế cuộc sống làm cho các quan điểm kinh tế của đồng chí mang rõ dấu ấn của thời đại, hơi thở của nhân dân, thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, dễ đi vào lòng quần chúng, tạo dựng niềm tin của họ vào bản chất tốt đẹp của Nhà nước, chế độ xã hội mới đang sinh thành, ngày càng được củng cố vững chắc.

Tìm cách huy động các nguồn lực của nhân dân nhưng không bao giờ đồng chí đòi hỏi quá sức đóng góp của họ. Mặt khác, trong khi tận thu các loại thuế, nhất là thuế nông nghiệp, đồng chí bao giờ cũng xử lý thỏa đáng lợi ích của Nhà nước, tập thể và lợi ích người nông dân. Đồng chí rất chú trọng khơi thông các nguồn thu trên cơ sở phát triển sản xuất; tìm cách nuôi dưỡng nguồn thu một cách chắc chắn, lâu bền.

Càng suy ngẫm một số quan điểm của đồng chí Phạm Văn Đồng về kinh tế, tài chính trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chúng ta càng hiểu hơn nhân cách toàn diện của đồng chí, tâm và tầm của một chiến sĩ cộng sản chân chính suốt đời hy sinh vì dân, vì nước, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.