Thử thách đầu tiên của bóng đá nữ Việt Nam trong năm 2023 là Vòng loại thứ nhất Olympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 5 đến 11/4. Tuyển nữ Việt Nam cùng bảng C với Afghanistan và đội chủ nhà Nepal. Đây được coi là bảng đấu khá dễ thở để vượt qua với thầy trò HLV Mai Đức Chung vì so với thứ hạng 34 của chúng ta, Nepal chỉ đang đứng thứ 103 trên bảng xếp hạng FIFA, còn đội tuyển nữ Afghanistan (không xếp hạng) cũng mới quay trở lại sau thời gian dài không có hoạt động.
Bên cạnh World Cup, Olympic cũng là giải mà tuyển nữ Việt Nam đặt mục tiêu cao. Trước đó tại kỳ Olympic Tokyo 2020, tuyển nữ Việt Nam đã vào đến vòng loại cuối cùng và chỉ để thua Australia. Vòng đấu loại này được xem như màn khởi động cho nhiều giải đấu quan trọng khác trong năm của bóng đá nữ Việt Nam.
Kết thúc vòng loại Olympic, toàn đội sẽ sang Nhật Bản tập huấn đến hết tháng 4 để bắt đầu hành trình bảo vệ HCV tại SEA Games 32 vào đầu tháng 5. Với sự vắng mặt đội trưởng Huỳnh Như, sức mạnh tấn công của đoàn quân áo đỏ sẽ bị giảm sút đáng kể ở Vòng loại Olympic và SEA Games 32. Do trùng lịch thi đấu giai đoạn cuối của giải vô địch nữ Bồ Đào Nha nên chủ nhân của 5 Quả bóng vàng khó có thể về nước thi đấu. Song, Huỳnh Như sẽ có mặt tại bán kết SEA Games 32 nếu đội tuyển vượt qua vòng bảng, và chắc chắn dự World Cup 2023, sự kiện diễn ra vào mùa hè, khi các giải vô địch quốc gia đã kết thúc.
Bên cạnh đó cũng có sự vắng mặt đáng tiếc của Nguyễn Thị Vạn khi gặp phải chấn thương dây chằng nghiêm trọng trong trận chung kết Cúp quốc gia nữ 2023. Tiền vệ của Than Khoáng sản Việt Nam sẽ phải nghỉ thi đấu từ 9 đến 12 tháng và chắc chắn không thể trở lại thi đấu trong năm nay. Tiền vệ sinh năm 1997 nhanh nhẹn, bền bỉ và có khả năng tạo ra đột biến lớn trên sân nhờ cái chân trái khéo léo.
Tuy vậy, việc vắng mặt những trụ cột cũng là cơ hội cho ban huấn luyện trau dồi trình độ lẫn tích lũy kinh nghiệm cho các cầu thủ trẻ. Theo HLV Mai Đức Chung, việc thực hiện trẻ hóa lực lượng là kế hoạch dài hạn, cấp thiết và đã được tính toán từ trước để hướng đến các giải đấu lớn trên đấu trường quốc tế. So với thời điểm giành HCV SEA Games 31 vào tháng 5/2022, đội tuyển nữ Việt Nam có một số thay đổi theo hướng trẻ hóa.
Dĩ nhiên, HLV Mai Đức Chung vẫn giữ lại những nhân tố xuất sắc như Trần Thị Kim Thanh, Khổng Thị Hằng, Trần Thị Thùy Trang, Phạm Hải Yến, Nguyễn Thị Tuyết Dung, Chương Thị Kiều, Nguyễn Bích Thùy, Ngân Thị Vạn Sự, Nguyễn Thị Thanh Nhã... Bên cạnh là các gương mặt trẻ như Vũ Thị Hoa - Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của giải thưởng Quả bóng vàng 2022 hay Hà Thị Ngọc Uyên, Ngọc Minh Chuyên, Lê Thị Thùy Trang...
Tất cả cầu thủ sẽ được trao cơ hội thi đấu, qua đó có thể đánh giá toàn diện về tình trạng của đội tuyển và bổ sung thêm những nhân tố mới. Bài toán khó cho ông Mai Đức Chung cùng cộng sự là làm sao để các tuyển thủ nữ không bị lâm vào tình trạng quá tải, buộc ban huấn luyện phải lên phương án chi tiết về việc nâng cao thể lực thông qua chế độ dinh dưỡng, tập luyện. Những thành công vừa qua chính là động lực nhưng đồng thời cũng tạo ra thách thức không nhỏ để các cô gái Việt Nam tiếp tục duy trì kết quả đạt được, chinh phục mục tiêu mới.
Sau SEA Games 32, tuyển nữ Việt Nam sẽ có chuyến tập huấn quan trọng ở Đức ngày 5 đến 25/6 trước khi dự World Cup vào tháng 7. Tại vòng chung kết Cúp Bóng đá nữ thế giới, Việt Nam cùng bảng E với đương kim vô địch Mỹ, đương kim á quân Hà Lan và Bồ Đào Nha. Dự kiến, toàn đội sẽ sang New Zealand trước giải đấu khoảng 2 tuần để vừa làm quen vừa thi đấu cọ sát quốc tế.
Sau đó, đội tuyển nữ cũng đặt mục tiêu đứng trong tốp 6 tại ASIAD 19 ở Hàng Châu (Trung Quốc) diễn ra vào tháng 9. World Cup chính là nhiệm vụ khó khăn nhất của thầy trò HLV Mai Đức Chung trong cả sự nghiệp nhưng cũng là niềm hãnh diện lớn vì trên bản đồ bóng đá nữ thế giới hiện nay đã có tên Việt Nam.