Phim cũ tái xuất

Sẽ trở thành trào lưu?

Cuộc vận động đưa bộ phim Dòng máu anh hùng trở lại rạp chiếu đã và đang nhận được sự nhiệt tình ủng hộ của cả người trong nghề, giới truyền thông cùng đông đảo công chúng yêu điện ảnh. Nếu có thể gặt hái thành công bằng một bản mở rộng, có chỉnh sửa (bản Redux), tác phẩm điện ảnh hành động đậm sắc màu sử thi này được kỳ vọng sẽ trở thành cú huých giúp mở ra cánh cửa đưa loạt phim kinh điển một thời trở lại rạp chiếu.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong phim Cha cõng con.Ảnh: ĐPCC
Cảnh trong phim Cha cõng con.Ảnh: ĐPCC

Những tín hiệu khởi đầu tích cực

Bộ phim Dòng máu anh hùng (năm 2007) quy tụ cả một ê-kíp sản xuất hùng hậu, từ các nghệ sĩ Việt kiều đình đám, như Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn, Jimmy Nghiêm Phạm, Hàm Trần, Ngô Thanh Vân… đến một số tên tuổi quốc tế, như Dominic Pereira, Christopher Wong. Dự án đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận khi mạnh tay đầu tư tới 1,6 triệu USD (tương đương 26 tỷ đồng, gấp khoảng năm lần kinh phí trung bình để sản xuất một phim lúc bấy giờ).

Phim đã được nhận Giải Bông sen bạc cùng bốn giải cá nhân xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15, Giải thưởng Lớn của Ban giám khảo tại Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương Los Angeles (Los Angeles Asian Pacific Film Festival) và được một công ty của Mỹ mua bản quyền phát hành tại thị trường quốc tế.

Nhiều tờ báo trong nước đã dành lời ngợi khen Dòng máu anh hùng là phim hành động hấp dẫn bậc nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Phát hành rộng rãi tại thị trường Trung Quốc hai năm sau đó, phim được đánh giá là “đạt tới đỉnh điểm của điện ảnh võ thuật”, “đả nữ” Ngô Thanh Vân được trìu mến gọi bằng cái tên “tiểu Chương Tử Di của nghệ thuật thứ bảy châu Á”.

Thế nhưng, tại thời điểm 17 năm trước, cả nước chỉ có chừng 20 rạp chiếu phim (phòng chiếu chứ không phải cụm rạp), chưa bằng 1/30 số lượng phòng chiếu hiện tại. Chính vì thế, không khó hiểu khi một tác phẩm được đầu tư và đạt tiêu chuẩn ở tầm quốc tế, như Dòng máu anh hùng, cũng chỉ đạt doanh thu phòng vé cỡ 10 tỷ đồng. “Hệ quả tất yếu là Dòng máu anh hùng bị thua lỗ nặng nề. Ê-kíp phải bán cả nhà để trả nợ, nghe nói mãi tới gần đây mới giải quyết xong khoản thua lỗ”- cây viết về điện ảnh Lê Hồng Lâm cho biết. Anh cũng chính là người khởi xướng cuộc vận động đưa bộ phim trở lại chiếu thương mại tại hệ thống rạp chiếu trên cả nước, để “những bạn trẻ gen Z được xem tác phẩm trên màn ảnh lớn và có quyền tự hào rằng, người Việt đã làm được một sản phẩm xứng tầm quốc tế”, anh Lâm nhấn mạnh.

Ngay sau đó, đạo diễn Lương Đình Dũng cũng thông báo trên truyền thông ý định đưa bộ phim Cha cõng con trở lại rạp chiếu trong mùa phim hè 2024. Ra mắt chính thức tháng 4/2017, phim đã trụ rạp 37 ngày, kịp gặt hái khá nhiều giải thưởng điện ảnh trong nước và quốc tế, được lựa chọn là đại diện Việt Nam tham dự Oscar nhưng “thu vẫn không đủ bù chi”. Cho đến nay, đây là một tác phẩm điện ảnh hiếm hoi của một đạo diễn hoàn toàn nội địa mà có cả 10 năm chuẩn bị, với sự tham gia của một biên kịch tên tuổi của Hollywood, một nhạc sĩ nổi tiếng người Hàn Quốc, lại được thực hiện phần hậu kỳ ở hai nước Thái Lan và Hàn Quốc. “Phim trở lại rạp là điều tôi chờ đợi nhất vì chỉ thưởng thức tại rạp, khán giả mới có thể cảm nhận hết những thông điệp mà ê-kíp muốn chuyển tải”, Lương Đình Dũng chia sẻ.

Từ những tín hiệu khởi đầu tích cực này, không ít khán giả đã bắt đầu mơ mộng xa hơn, rằng sẽ có cơ hội gặp lại những tác phẩm kinh điển như Ván bài lật ngửa, Bao giờ cho đến tháng mười, Cánh đồng hoang, Biệt động Sài Gòn… trong một tương lai gần.

“Tái xuất”- chuyện không đơn giản

Thị trường điện ảnh Việt Nam lớn mạnh vượt bậc nếu so mốc “xuất xưởng” bảy năm trước của Cha cõng con hay 17 năm trước của Dòng máu anh hùng. Trong bức tranh toàn cảnh ấy, một tác phẩm đã từng được phát hành dưới định dạng DVD, phủ sóng trên nhiều nền tảng trực tuyến (Netflix, VieON…) như Dòng máu anh hùng sẽ khó làm nên chuyện khi trở lại chiếu rạp.

Với Cha cõng con, ê-kíp đã “từ chối nhiều lời đề nghị mua bản quyền với mức giá hấp dẫn từ các nền tảng phát hành trực tuyến” để hướng tới cái đích tái xuất rạp chiếu với nguyên vẹn bản ban đầu, kỳ vọng tiếp tục tiếp cận phân khúc khán giả chính là trẻ em và phụ huynh đi kèm. Tuy nhiên, cánh cửa đến với thành công xem ra cũng rất hẹp vì mùa phim hè cũng là khoảng thời gian vàng mà các siêu phẩm, phim bom tấn nước ngoài hướng đến nhóm công chúng này “đổ bộ” rạp chiếu trong nước, khiến áp lực cạnh tranh không hề nhỏ.

Được biết, đạo diễn Charlie Nguyễn đã nghĩ tới bản Dòng máu anh hùng-Redux được hiệu chỉnh, bổ sung cả về hình ảnh lẫn âm nhạc. Đây là hình thức mà điện ảnh thế giới thường áp dụng với những tác phẩm xuất sắc, có một số phận đặc biệt. Hai thí dụ có thể kể đến: Apocalypse Now của huyền thoại F.F. Coppola phát hành năm 1979 với thời lượng 153 phút, bản Redux ra mắt năm 2001 có độ dài lên tới 202 phút; nguyên bản Đông Tà, Tây Độc (Ashes Of Time) của đạo diễn tên tuổi Vương Gia Vệ công chiếu năm 1994, dài 100 phút nhưng được rút ngắn lại còn 93 phút trong bản Redux năm 2008, câu chuyện dễ hiểu hơn, phù hợp cho phát hành qua định dạng

Blu-ray và DVD… Nhưng để khoác tấm áo mới cho bộ phim cũ, lại đòi hỏi phải có chi phí đầu tư cũng như chi phí cho tiếp thị, quảng bá trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nhà sản xuất phim ngày càng gay gắt. Bài toán kinh phí bổ sung này không hề dễ giải bởi tiền bỏ ra là thật trong khi những gì sẽ nhận lại thật khó đong đếm.

“Vạn sự khởi đầu nan”, có người dũng cảm dấn bước thì mới có đường. Phim cũ tái xuất chỉ là một hiện tượng đơn lẻ hay sẽ trở thành trào lưu thì còn phải chờ phản hồi từ thị trường. Nhưng nếu thành công, cánh cửa để những dấu son phim ảnh một thời đến được với khán giả hôm nay sẽ chính thức rộng mở.