Lâu nay, không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cho rằng thị trường Trung Quốc không đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng. Song, quan niệm này đã không còn phù hợp. Ở thời điểm hiện tại, phía Trung Quốc đã đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu, kèm theo đó là các chế tài cụ thể xử lý các trường hợp vi phạm.
Nội dung kiểm tra và kiểm dịch trước khi xuất khẩu, Nghị định thư vừa được ký đã chỉ rõ: trong hai năm đầu tiên kể từ ngày Nghị định thư có hiệu lực, cán bộ của MARD phải tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong thời gian hai năm, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%. Trường hợp phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống, phát hiện lẫn lá hoặc đất thì toàn bộ lô hàng không được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tại cửa nhập khẩu, trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống tại phụ lục đính kèm hoặc đối tượng kiểm dịch thực vật mới được ghi nhận tại Việt Nam, hoặc phát hiện lẫn đất, lá thì lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu, tiêu hủy hoặc áp dụng biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật. Đặc biệt, trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc, lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu hoặc tiêu hủy. GACC sẽ thông báo cho MARD các trường hợp không tuân thủ và trong một số trường hợp sẽ tạm dừng nhập khẩu sầu riêng từ vùng trồng, hoặc cơ sở đóng gói liên quan trong thời gian còn lại của mùa vụ…
Để xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc là cả một quá trình đàm phán lâu dài, với những khó khăn, thách thức mà cơ quan xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp rất nỗ lực để vượt qua. Tuy vậy, niềm vui hôm nay của sầu riêng đối với thị trường Trung Quốc sẽ chỉ biến thành niềm vui chung của nông sản Việt Nam khi chúng ta thực hiện tốt quá trình canh tác, khai thác. Từng có bài học đắt giá từ những vụ việc như, hồi tháng 11/2021, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quy định nhiều loại nông sản của Việt Nam khi vào châu Âu sẽ bị tăng tần suất kiểm tra từ 10% đến 50%. Điều này xuất phát từ việc trong một thời gian ngắn, liên tục có hàng loạt mặt hàng nông sản của Việt Nam như: rau mùi ta, bạc hà, đậu bắp, hạt tiêu tươi, thanh long… bị phát hiện vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU) khi nhập khẩu vào thị trường này. Rồi như cuối tháng 8/2021, Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ áp dụng mức kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên 100% số lô hàng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam, thay vì chỉ kiểm tra 30% số lô hàng như trước đây...
Do đó, để ngành hàng thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu một cách bền vững, các doanh nghiệp cung ứng trong nước buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm để nhiều mặt hàng nông sản không ngừng vươn ra thị trường các nước.