Cần thêm những lực đẩy

Những biện pháp mạnh hơn cần được tiến hành, để tạo thêm lực đẩy hướng tới công bằng thương mại, minh bạch tài chính và xóa bỏ bạo lực giới.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi thúc đẩy đàm phán thương mại trong IPEF.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi thúc đẩy đàm phán thương mại trong IPEF.

1 Nhân Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 đang diễn ra tại San Francisco, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng cần nỗ lực hơn nữa trong các cuộc đàm phán về vấn đề thương mại- một trong bốn trụ cột trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) mà 14 nền kinh tế đang tham gia thảo luận.

Bộ trưởng Yellen ghi nhận đã có tiến triển rất đáng kể về ba lĩnh vực của IPEF, đó là chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng, thuế và chống tham nhũng. Tuy nhiên, bà lưu ý vẫn còn tồn tại một số vấn đề trong lĩnh vực thương mại, đòi hỏi những biện pháp tích cực hơn nữa để đạt được tiến triển.

Tháng 5/2022, Tổng thống Joe Biden tuyên bố khởi động tiến trình thảo luận về IPEF nhằm củng cố quan hệ kinh tế với các nền kinh tế quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực ước tính chiếm khoảng 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu hiện nay. Các bên tham gia thảo luận về IPEF hiện gồm Mỹ, Australia, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

2 Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về kế hoạch bảo đảm nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng (như coban, lithium và vonfram). Theo kế hoạch trên, EU sẽ đặt ra các mục tiêu tăng cường khai thác, xử lý và tái chế 34 nguyên liệu thô quan trọng để đáp ứng nhu cầu của khối. Kế hoạch đã được 27 quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP) thông qua sau tám tháng kể từ khi được đề xuất, song vẫn cần được chính phủ và quốc hội các nước EU phê chuẩn để chính thức có hiệu lực.

Ông Thierry Breton, Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối, cho biết nhu cầu của EU về nguyên liệu thô quan trọng ngày càng gia tăng trong các lĩnh vực như công nghệ xanh, kỹ thuật số, quốc phòng và hàng không vũ trụ. Ông nhấn mạnh nếu không hành động, EU có nguy cơ thiếu nguồn cung và tăng phụ thuộc vào các quốc gia bên ngoài khối.

3 Đã có 48 quốc gia, trong đó bao gồm Mỹ, Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản, đã ra tuyên bố chung kêu gọi thúc đẩy khuôn khổ quốc tế về tự động trao đổi thông tin giao dịch tài sản mã hóa, nhằm bảo đảm tuân thủ quy định thuế. Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc, tuyên bố chung cũng kêu gọi đẩy nhanh quy trình thực thi trong nước và khuyến khích các quốc gia khác tham gia chương trình mới này. Tuyên bố nhấn mạnh: Việc thực hiện kịp thời, đều đặn và rộng rãi Khuôn khổ báo cáo tài sản mã hóa sẽ cải thiện hơn nữa khả năng tuân thủ quy định thuế cũng như ngăn chặn tình trạng trốn thuế, vốn làm giảm thu nhập công, đồng thời gia tăng gánh nặng đối với những người nộp thuế.

48 quốc gia nói trên cho biết sẽ nỗ lực tiến tới nhanh chóng chuyển khuôn khổ này thành luật tương ứng trong nước và khởi động các thỏa thuận trao đổi vào năm 2027, nhằm theo kịp sự phát triển nhanh chóng và tăng trưởng của thị trường tài sản mã hóa, bảo đảm những thành tựu mới đây trong việc minh bạch thuế toàn cầu sẽ không bị suy giảm.

Cần thêm những lực đẩy ảnh 1

Hơn 400 công trình tại Nhật Bản đã được nhuộm tím để ủng hộ

phong trào xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

4 Tuần qua, hơn 400 công trình và tòa nhà trên khắp đất nước Nhật Bản đã được khoác mầu áo tím trong hai tuần để ủng hộ phong trào xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Được biết đến với tên gọi "Purple Ribbon" (Dải băng mầu tím), chương trình này được Nhật Bản tổ chức hằng năm với mục đích nâng cao nhận thức về việc chấm dứt bạo lực gia đình và tội phạm tình dục đối với phụ nữ. Chương trình sẽ kéo dài đến ngày 25/11 - Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2022, cảnh sát Nhật Bản nhận được 84.496 cuộc gọi liên quan vấn đề bạo lực gia đình- tăng 1,8% so với năm trước đó và đánh dấu mức cao mới trong năm thứ 19 liên tiếp. Để giải quyết những vụ việc này, chính phủ đã sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, và luật mới sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2024. Luật mới sẽ mở rộng phạm vi "yêu cầu bảo vệ", không chỉ bao gồm bạo lực thể xác mà còn cả bạo lực tâm lý, trong đó nạn nhân bị bạo hành bằng bởi lời nói và thái độ.