Khởi đầu lịch sử

Những sự kiện lần đầu diễn ra, ghi dấu sự khởi sắc trong đời sống kinh tế, xã hội, chính trị ở nhiều nước.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Vaughan Gething - Thủ hiến da mầu đầu tiên của Xứ Wales.
Ông Vaughan Gething - Thủ hiến da mầu đầu tiên của Xứ Wales.

1. Xứ Wales của Anh có Thủ hiến da mầu đầu tiên, khi ông Vaughan Gething giành chiến thắng trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo Công đảng tại Wales. Ông Gething từng là luật sư, sinh ra ở Zambia và lớn lên ở England trước khi học ở Wales.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của ông Gething là dẫn dắt Công đảng xứ Wales tham gia cuộc tổng tuyển cử trong năm nay. Thủ hiến mới cũng đối mặt những thách thức như cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, các vấn đề về y tế, giáo dục và môi trường.

Phát biểu sau chiến thắng, ông Gething cam kết sẽ cải thiện hệ thống dịch vụ y tế Xứ Wales, đặt mục tiêu hàng đầu là "xanh hóa" nền kinh tế, phát triển nhà ở và hệ thống giao thông, nâng cấp tiêu chuẩn giáo dục và nâng cao vị thế nổi bật của Wales trên trường quốc tế.

2. Ngày 11/4 tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh ba bên lần đầu với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.

Theo người phát ngôn Nhà trắng Karine Jean-Pierre, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về hợp tác ba bên nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và các công nghệ mới nổi, thúc đẩy chuỗi cung ứng năng lượng sạch và hợp tác về khí hậu, cũng như tăng cường hòa bình, an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

Bên lề hội nghị, Tổng thống Biden sẽ tiến hành hội đàm song phương với người đồng cấp Philippines Marcos. Dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những nỗ lực mở rộng hợp tác về an ninh kinh tế, năng lượng sạch, hợp tác nhân dân giữa hai nước.

3. Tuần qua, chỉ số chứng khoán DAX trên Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt (Đức) lần đầu vượt mốc 18.000 điểm. Chỉ số DAX, bao gồm 40 tập đoàn niêm yết lớn của Đức, gần đây duy trì xu hướng đi lên mạnh mẽ, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế Đức nói chung.

DAX đang có chuỗi kỷ lục dài nhất kể từ năm 2015. Bất chấp kinh tế trong nước phát triển ì ạch, nhiều công ty trong danh mục chỉ số DAX thực hiện hoạt động kinh doanh chính ở nước ngoài, chẳng hạn như ở Mỹ, nên ít phụ thuộc hơn vào thị trường nội địa.

Xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán là tin tức tích cực hiếm hoi về kinh tế Đức, tính đến thời điểm hiện tại. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã giảm 0,3% trong quý cuối cùng của năm 2023. Tuy nhiên, trong tháng 1/2024, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã ghi nhận tăng trưởng nhờ giá trị xuất khẩu của các công ty Đức tăng 6,3%. Chính phủ Đức dự báo lạm phát sẽ giảm từ 5,9% năm 2023 xuống còn 2,8% trong năm nay, gần với mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương châu Âu. Nếu xu hướng này tiếp tục, lãi suất sẽ giảm xuống.

Khởi đầu lịch sử ảnh 1
BoJ lần đầu tăng lãi suất kể từ năm 2007.

4. Ngày 19/3, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã tiến hành một cuộc cải tổ chính sách sâu rộng, trong đó đáng chú ý là quyết định hủy bỏ chính sách lãi suất âm, và lần đầu tăng lãi suất cho vay kể từ năm 2007. Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, BoJ đã quyết định nâng lãi suất cho vay qua đêm, chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ được ngân hàng áp dụng từ năm 2016, nhằm thúc đẩy cho vay. Với động thái này, BoJ trở thành cơ quan tiền tệ lớn cuối cùng trên thế giới từ bỏ chính sách lãi suất âm.

Trong số các công cụ chính sách khác, BoJ cũng đã quyết định chấm dứt kiểm soát đường cong lợi suất, ngừng mua các quỹ giao dịch chứng khoán Nhật Bản và quỹ tín thác đầu tư bất động sản. Các động thái này dự kiến sẽ hồi sinh thị trường trái phiếu và tiền tệ, khi cho phép các thị trường này hoạt động tự do hơn. BoJ tin tưởng vào khả năng đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, được hỗ trợ bởi tăng trưởng tiền lương. Tốc độ tăng lương ở Nhật Bản được đánh giá là cao nhất trong vòng 33 năm.