Kinh tế trên hết!

Một thời điểm thật sự khó khăn đối với toàn thế giới, khi những hệ lụy đa chiều cùng lúc ập tới, mà trầm trọng nhất là các vấn đề về kinh tế-tài chính quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lo ngại xung đột tại Trung Đông ảnh hưởng kinh tế toàn cầu.
Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lo ngại xung đột tại Trung Đông ảnh hưởng kinh tế toàn cầu.

1. Trong khuôn khổ hội nghị hằng năm "Sáng kiến đầu tư tương lai", diễn ra từ ngày 24 đến 26/10 tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga cảnh báo: Xung đột giữa phong trào Hamas và Israel có thể giáng đòn nặng nề vào guồng máy kinh tế toàn cầu. Theo Chủ tịch WB, thế giới đang ở trong thời điểm rất nguy hiểm, nếu cuộc xung đột này tiếp tục kéo dài.

Theo các nhà phân tích, tất cả các kịch bản xung đột đều có thể đẩy giá dầu tăng kỷ lục, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu mỏ thế giới có thể tăng lên mức 150 USD/thùng. Lạm phát toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng lên 6,7% trong năm 2024, cao hơn nhiều so với dự báo hiện tại 5,8% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

2. Dự báo của IMF cũng cho thấy: Việc đồng yên mất giá sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 của Nhật Bản sụt giảm, qua đó quốc gia châu Á phải nhường vị trí nền kinh tế thứ ba thế giới cho Đức. Năm 1968, Nhật Bản vượt qua Tây Đức về Tổng sản phẩm quốc gia (GNP) và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Nhật Bản giữ vị trí này cho đến khi bị Trung Quốc vượt qua vào năm 2010. Do ảnh hưởng của tỷ giá cùng với việc Nhật Bản đã trải qua một thời gian dài tăng trưởng thấp, nên khoảng cách tăng trưởng giữa Nhật Bản và Đức cũng đã bị thu hẹp trong những năm gần đây.

Theo ước tính của IMF, GDP danh nghĩa của Nhật Bản sẽ đạt khoảng 4.230 tỷ USD vào năm 2023, giảm 0,2% so năm trước, trong khi GDP của Đức sẽ đạt 4.430 tỷ USD, tăng 8,4%. Nhằm tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế, trong bài phát biểu chính sách tại phiên họp Quốc hội bất thường ngày 23/10, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nêu rõ sẽ "ưu tiên kinh tế trên hết" với các biện pháp như đưa ra gói kích thích mới, cắt giảm thuế, tăng lương, hỗ trợ người thu nhập thấp.

3. Sau hơn một năm liên tục điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng sẽ quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản trong cuộc họp ngày 26/10 tới tại Athens (Hy Lạp). Trong tháng 9 vừa qua, giá tiêu dùng tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 4,3% - mức thấp nhất trong gần hai năm qua. Mặc dù tỷ lệ lạm phát này vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% mà ECB đặt ra, song các "vết thương" do chính sách thắt chặt tiền tệ gây ra cũng đang ngày càng được cảm nhận rõ nét, ở khắp Eurozone.

Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia nhận định ECB nhiều khả năng sẽ "nối gót" Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tạm dừng tăng lãi suất. ECB đang duy trì lãi suất cơ bản hiện tại ở mức 4% - mức cao nhất lịch sử của ngân hàng này. Chủ tịch ECB Christine Lagarde thừa nhận: Chính sách tăng lãi suất mạnh mẽ làm gia tăng gánh nặng chi tiêu lên các hộ gia đình, song bà cảnh báo không nên nới lỏng quá sớm.

Kinh tế trên hết! ảnh 1

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo không nên nới lỏng quá sớm việc dừng tăng lãi suất.

4. Cơ quan giám sát thuế Liên minh châu Âu (EU) đề xuất: Chính phủ các nước trên thế giới nên hợp tác ngăn chặn hành vi trốn thuế, bằng cách áp mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tỷ phú, theo đó số tiền thuế thu về có thể lên tới 250 tỷ USD mỗi năm. Số tiền thuế thu về nói trên sẽ chỉ chiếm khoảng 2% tổng tài sản gần 13.000 tỷ USD của 2.700 tỷ phú trên toàn cầu. Theo nhóm nghiên cứu của Trường Kinh tế Paris (PSE), hiện thuế cá nhân đối với các tỷ phú thường thấp hơn nhiều so với thuế đối với những người có thu nhập bình thường, vì các tỷ phú có thể gửi tài sản vào các công ty vỏ bọc để tránh phải nộp thuế thu nhập.

Giám đốc Cơ quan giám sát thuế EU Gabriel Zucman khẳng định: Việc gửi tài sản cá nhân vào công ty để tránh thuế thu nhập làm suy yếu tính bền vững của hệ thống thuế. Trong khi đó, tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng gia tăng ở một số quốc gia đang đặt ra nhu cầu cấp bách về việc những công dân giàu nhất phải đóng thuế nhiều hơn, trong bối cảnh tài chính công phải chật vật đối phó với trình trạng dân số già, nhu cầu tài chính khổng lồ cho quá trình chuyển đổi liên quan biến đổi khí hậu và các khoản nợ đọng do đại dịch Covid-19