Sẵn sàng đối diện nguy nan

Boali, Cộng hòa Trung Phi, ngày 18/3/2022. Dứt khoảnh khắc đếm ngược là một tiếng nổ dữ dội, cùng một cột khói cao ngút xuất hiện ngay sau quầng lửa rực sáng. Cho dù đứng ở một khoảng cách an toàn, tôi vẫn phải nín thở, mím môi, tay giữ chặt máy quay để ghi lại những thước phim và hình ảnh chân thực nhất. Buổi xử lý vật liệu nổ diễn ra an toàn, thành công, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.
0:00 / 0:00
0:00
"Nếu được chọn lại, tôi sẽ còn xung phong lên đường làm nhiệm vụ sớm hơn". Ảnh: NVCC
"Nếu được chọn lại, tôi sẽ còn xung phong lên đường làm nhiệm vụ sớm hơn". Ảnh: NVCC

Tôi là Vũ Nhật Hương, từng là Sĩ quan Truyền thông, Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA, nhiệm kỳ 2021-2022).

1. Trước đó sáu giờ đồng hồ, khi có tin báo phát hiện ba vật thể nghi là vật liệu nổ tại Boali, Phân khu Trung tâm, cách Thủ đô Bangui 60km, tôi nhận được câu hỏi của Trưởng phòng Truyền thông: "Sẽ là một thử thách lớn đấy, bạn có muốn tham gia không?". "Sẵn sàng!", câu trả lời bật ra trong tích tắc.

Và thế là chúng tôi lên đường. Tốc độ của đoàn bị hạn chế rất nhiều do chất lượng đường sá, cũng như để bảo đảm an toàn. Là thành viên nữ duy nhất trong đội hình 30 người, nhiệm vụ của tôi là ghi lại những hình ảnh xử lý chất nổ tại hiện trường. Tôi xung phong được theo sát hành trình, trong sự ngỡ ngàng của đội nam Công binh Indonesia. Tuy nhiên, tôi phải ở một khoảng cách an toàn, chỉ đủ để quan sát thật kỹ sự nguy hiểm của vật liệu nổ.

Về đến Việt Nam rồi, những chuyến di chuyển bằng máy bay lên thẳng không đóng cửa (để thành viên tổ bay có đủ tầm nhìn quan sát an ninh) cũng là trải nghiệm mà tôi vẫn luôn "nhung nhớ". Dù được đeo đến hai chiếc đai bảo hiểm, những lần tăng giảm độ cao vẫn khiến cơ thể hẫng hụt, chới với. Chẳng thế mà, trước mỗi chuyến đi, những thành viên nữ như chúng tôi luôn được hỏi kỹ về thể lực. Dù vậy, tôi vẫn luôn có mặt. Đơn giản, tôi chỉ có một năm để chạm vào và giữ lấy cho mình những trải nghiệm đáng giá.

2. Tuy nhiên, tôi vẫn… ghen tị với những nữ đồng đội của mình. Đơn cử, Trung tá Vũ Thị Oanh, từng đảm nhiệm vị trí Quan sát viên quân sự tại Phái bộ Nam Sudan (UNMISS), người sở hữu cả "một kho" ký ức.

"Chuyến tuần tra ngày 30/12/2021 trên tuyến biên giới bang Trung Xích đạo, Nam Sudan bắt đầu từ 9 giờ sáng. Quãng đường chỉ 25km, nhưng phải qua bốn chốt kiểm soát. Thường, cứ trình SOI (giấy chứng nhận) rồi thương lượng mấy câu là được qua", chị Oanh hồi tưởng.

"Tuy nhiên, đường về, cách nơi đóng quân quãng chừng 5-7km, đoàn xe tuần tra bị chặn lại. Là một Quan sát viên quân sự, như thường lệ, tôi xuống xe, cùng với chỉ huy và một số thành viên đoàn hộ tống tiến lên phía trước để vào chốt kiểm soát, nhưng phải khựng lại trước một hàng họng súng. "Chỉ một mình cô kia (chỉ vào tôi) vào, còn tất cả dừng lại, chờ ở đây!". Sau một vài phút, tôi quyết định làm theo yêu cầu của họ.

Đoạn đường từ chỗ đoàn xe đỗ vào tới lán chỉ huy khoảng gần một km. Vừa đi, tôi vừa nghĩ ra rất nhiều tình huống xấu: "Nào là không đem theo đồ phòng vệ, không vũ khí, không điện thoại…, đang đi bị họ bắt cóc thì sao, đội hộ tống có súng lại đứng cách xa thế làm sao liên lạc được, vào gặp chỉ huy của họ sẽ như thế nào...?". Tôi tìm cách trấn tĩnh bằng việc gặp nhóm lính nào trên đường đi cũng chào hỏi vui vẻ. Thấy có nhóm lính đang chơi trò chơi kiểu như "ô ăn quan" của Việt Nam mình, tôi đứng lại giao lưu. Nhóm lính rất vui khi thấy tôi biết tên gọi trò chơi này của họ là "Mugo"- kinh nghiệm có được từ một chuyến tuần tra trước đó. Đi sâu vào trong, có một cái lán khoảng gần 20 lính khác đang chơi bài. Cảm giác lo lắng ban đầu đã chuyển sang hoảng sợ.

Chỉ huy của họ đã ngồi chờ sẵn ở đó. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh để chào hỏi vui vẻ, và đương nhiên tôi cố tình nhấn mạnh mình là người Việt Nam. Kinh nghiệm qua nhiều chuyến tuần tra cho thấy hầu hết người dân Nam Sudan ngưỡng mộ và đánh giá cao bề dày truyền thống lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, và họ có thiện cảm với người Việt Nam. Tuy nhiên, mặt viên chỉ huy vẫn lạnh như tiền.

Anh ta hỏi: "Sáng nay Đoàn tuần tra đi qua tại sao không vào trình SOI?". Tôi chợt nhớ ra, sáng nay, đoàn đã lưỡng lự nhưng không thấy có dây chắn đường, không có lính gác nên cứ thế đi. Tôi nhận lỗi trước, rồi giải thích: "Tôi là người mới đến thực hiện nhiệm vụ, lần đầu tiên đi tuần tra trên tuyến này, chỉ huy của đoàn hộ tống cũng là người mới...". Thấy vậy, viên chỉ huy chấp thuận. Ra đến chỗ đoàn xe đang đứng chờ mà vẫn còn run. Những hàng lính tay vẫn lăm lăm súng, đạn đã lên nòng".

Rồi "Chuyến đi tuần ngày 9/11, tới Wunuliet, ngôi làng cách Thủ đô Juba 35km, nơi có vị trí đóng quân của quân đội phe đối lập (SPLA-IO). Đội bảo vệ phải đứng ngoài cách sở chỉ huy chừng 500m. Còn lại tám người được phép vào trong. Trên đường vào, chúng tôi phải qua hai hàng lính vũ trang dữ dằn. Tôi chào xã giao. Họ không đáp lại, mặt vẫn lạnh như những bức tượng đồng đen.

Cuộc gặp kéo dài hai giờ đồng hồ, liên quan các vấn đề chính trị, xã hội, các quan điểm nhạy cảm giữa các phe phái của Nam Sudan. Do đó, trên cương vị Quan sát viên quân sự, tôi đã phải nghiên cứu kỹ trước tình hình để luôn thể hiện vị trí trung lập, không nghiêng về phe nào. Các Quan sát viên quân sự cũng cần phải hết sức thận trọng trong việc quan sát, phân tích và đánh giá tình hình, đúng với chức năng là "đôi tai và con mắt của phái bộ". Một tia lửa thôi, cũng có thể tạo nên đám cháy".

Sẵn sàng đối diện nguy nan ảnh 1

"Tôi tự hào về Tổ quốc mình biết bao!". Ảnh: NVCC

Bên cạnh chị Oanh, còn những người đồng đội khác của tôi, cả nam lẫn nữ, cũng luôn sẵn sàng đối diện với những nguy nan như thế. Đến độ, hầu như ai cũng có những khoảng thời gian dài phải chuẩn bị sẵn một chiếc túi xách để ở góc lều dã chiến, trong đó đã có đầy đủ những vật dụng cần thiết. Bởi, "khi còi báo động ngày nào cũng hú, mình luôn phải sẵn sàng, để có lệnh là lại lập tức lên đường" - Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh (phái bộ MINUSCA).

3. "Biết rằng tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là chắc chắn sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng, mà mình còn là phụ nữ "chân yếu tay mềm", vậy tại sao chị vẫn quyết tâm xung phong?", tôi hỏi chị Oanh, khi chợt nhớ đến chuyện chị Hạnh kể rằng ngày lên đường, chị đã bật khóc nức nở "đến không ai dỗ nổi" vì thương các con ở nhà.

"Lý do trước tiên là tôi muốn thay đổi môi trường làm việc và cuộc sống thường nhật, để đến một nơi xa xôi chưa từng ghé. Nơi mà chỉ mới xem trên TV, thấy người ta nghèo khổ, lại xung đột liên miên, mình cũng muốn làm gì đó. Châu Phi cho tôi những trải nghiệm vô giá. Tới nhiều nơi trên đất nước Nam Sudan, tôi càng thấu hiểu và thấm thía giá trị của độc lập và hòa bình. Tôi cũng thật sự mong muốn hòa bình sẽ sớm đến với những người dân nơi này. Và tôi tự hào về đất nước mình biết bao", chị Oanh trải lòng.

Sẵn sàng đối diện nguy nan ảnh 2

Dư luận thế giới đánh giá cao đóng góp của các quân nhân Mũ nồi xanh Việt Nam. Ảnh: NVCC

Câu hỏi này, tôi cũng tự hỏi tôi. Nhất là khi trở về từ Cộng hòa Trung Phi, tôi vẫn canh cánh đâu đó một cảm giác tiếc nuối. Nhưng tôi biết, nếu được chọn lại, tôi chắc sẽ còn xung phong lên đường từ sớm hơn, nhiều năm về trước.

Ba mươi tuổi là độ tuổi mà nhiều phụ nữ bắt đầu dành mối bận tâm cho cuộc sống gia đình riêng. Còn tuổi 30 của tôi lại dành trọn cho cơ hội được thử thách bản thân. Hơn hết, tôi cũng muốn thông qua vị trí được tin tưởng lựa chọn, để làm đẹp hơn hình ảnh người "Bộ đội Cụ Hồ" trong mắt bạn bè quốc tế.