Rộng mở cơ hội từ dòng vốn mới

Cuộc thảo luận với sự tham dự trực tiếp của 60 lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết và 400 chủ thể khác qua kênh trực tuyến mới đây đã đồng thuận một quan điểm: Việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi sẽ là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội cho các chủ thể tham gia thị trường. Nhưng trước hết phải chung tay tháo gỡ những nút thắt pháp lý hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Để tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước. Nguồn: UBCKNN
Để tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước. Nguồn: UBCKNN

Chìa khóa mở cửa "sân chơi" mới

Nhất quán nhận định, vị thế của thị trường, vị thế của nền kinh tế có tác động lớn tới hoạt động và giao thương của doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, phải là doanh nghiệp niêm yết lớn, hoạt động ở một thị trường chứng khoán tiến bộ, các tập đoàn kinh tế như FPT mới có thể ký được các hợp đồng tốt và có đối tác lớn.

Theo ông Trương Gia Bình, khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, đồng nghĩa cánh cửa đến với sân chơi mới, đẳng cấp hơn, đem lại uy tín và vị thế tốt hơn sẽ rộng mở hơn dành cho doanh nghiệp niêm yết trên thị trường ấy. Minh chứng là theo các số liệu thống kê, phần lớn thị trường chứng khoán các nước đều tăng điểm mạnh mẽ trong vòng một năm kể từ khi được tổ chức xếp hạng thị trường Morgan Stanley Capital International (Chỉ số MSCI) công bố nâng hạng từ nhóm các thị trường cận biên sang nhóm thị trường mới nổi.

Cụ thể, tháng 6/2013, cả Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Qatar đều tăng 39% và 51% trong vòng một năm kể từ khi nâng hạng. Thị trường chứng khoán Pakistan được MSCI công bố nâng hạng từ tháng 6/2016 và đã tăng 39% kể từ sau đó. Chỉ số Tadawul All share của Saudi Arabia đã tăng 14% trong vòng một năm kể từ khi nâng hạng vào tháng 6/2018. Chỉ duy nhất có thị trường chứng khoán Kuwait giảm 7,6% sau khi nâng hạng thành công chủ yếu do đại dịch Covid-19, song nhìn về dài hạn thì các yếu tố tích cực vẫn còn nguyên vẹn. Bởi trong ba năm sau khi được công bố nâng hạng, thị trường chứng khoán Kuwait đã tăng 39%, định giá của thị trường cũng thay đổi khi trung bình P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu-Price, với thu nhập trên một cổ phiếu-EPS), lợi nhuận trước khi được công bố nâng hạng (giai đoạn 2015-2019) là 12,5, trung bình P/E sau khi được công bố nâng hạng (2020-2024) là 15,7, tăng 26%.

Câu chuyện về diễn biến định giá của National Petroleum Services Company K.S.C.P (NAPSCO) - một doanh nghiệp đầu ngành của Kuwait trong lĩnh vực dầu mỏ, cũng cho thấy sự cải thiện đáng kể. Trong một năm sau khi được công bố nâng hạng, định giá của NAPSCO đã tăng 62%.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, để mở cánh cửa nâng hạng thị trường, trước hết cần tháo bỏ những chiếc khóa treo trên đó. Tiến trình nâng hạng thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào việc giải quyết các vấn đề vướng mắc mà tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell (Financial Times Stock Exchange) và MSCI đề cập tới trong việc đánh giá, xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Hiện nay, các vấn đề trọng yếu bao gồm: cơ chế giao dịch, giới hạn sở hữu và bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài, và sự phát triển của thị trường ngoại hối. Các điều kiện của MSCI khó và phức tạp hơn nên trước mắt Việt Nam tập trung vào đáp ứng các yêu cầu của FTSE.

Một trong những "nút thắt" đang được xử lý là quy định phải có tiền trước khi giao dịch (prefunding). Hiện nhà đầu tư chỉ được đặt lệnh khi có đủ tiền trên tài khoản, trong khi theo tiêu chí và thông lệ quốc tế, chỉ cần nhà đầu tư được công nhận là tổ chức tài chính, việc ký quỹ trước khi giao dịch là không cần thiết và họ chỉ yêu cầu có tiền ở thời điểm nhận cổ phiếu (T+2).

Về vấn đề này, theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến nay các thành viên thị trường đã cơ bản đồng thuận với dự thảo hướng dẫn giao dịch ký quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài. Dự thảo sẽ sớm được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố lấy ý kiến lần cuối trước khi trình Bộ Tài chính ban hành. Nội dung mới nhất là việc nhà đầu tư được phép giao dịch và đến sáng ngày T+2 mới phải có tiền trong tài khoản, đến đầu giờ chiều cổ phiếu đã có trong tài khoản, tức là quy định tiệm cận các thông lệ quốc tế.

Rộng mở cơ hội từ dòng vốn mới ảnh 1
Các doanh nghiệp niêm yết lớn như REE, HPG... sẽ tạo sức hút đối với các quỹ đầu tư quốc tế. Nguồn: HPG Group

Cần nỗ lực ở mức cao nhất

Mặt khác, Việt Nam cần cởi mở hơn với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét để sớm có quy định thống nhất, công bố rộng rãi về các ngành nghề, tỷ lệ sở hữu tối đa có thể áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài.

Về vấn đề minh bạch, trong đó có việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, theo bà Hà Thị Thu Thanh (Chủ tịch Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam - VIOD), đây là khâu yếu ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Báo cáo công bố thông tin bằng tiếng Anh của doanh nghiệp thường được lập không đầy đủ, ít doanh nghiệp thực hiện khiến nhà đầu tư nước ngoài thiếu thông tin, bị bất cân xứng về thông tin.

Thực tế, vướng mắc này đang được xử lý bằng các Nghị định mới sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Theo đó, doanh nghiệp trên thị trường sẽ phải bắt buộc công bố thông tin bằng tiếng Anh, thời hạn phụ thuộc vào quy mô và nhóm doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ.

Trong các cuộc trao đổi gần đây với các thành viên thị trường, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương luôn nhấn mạnh về sự quyết tâm của cơ quan quản lý ngành trong việc thúc đẩy tiến trình nâng hạng, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng chia sẻ, việc nâng hạng cần chung tay của các thành viên thị trường chứ mình cơ quan quản lý khó có thể thực hiện được. Điều này thể hiện qua việc nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, qua đó cải thiện các yêu cầu của FTSE.

Hơn một năm qua, thị trường cũng chứng kiến nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc xúc tiến đầu tư, nâng cao hình ảnh và vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu, châu Á… Thông tin về thị trường do đó được cập nhật đầy đủ hơn tới các nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện sự đánh giá của các tổ chức xếp hạng. Bản thân mỗi thành viên thị trường đều có trách nhiệm tinh chỉnh hoạt động để hướng tới mục tiêu chung nói trên.

Theo ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), cơ chế ký quỹ khi triển khai mô hình Điểm kiểm soát tới hạn (Critical Control Point - CCP) cho phép thành viên bù trừ được quyết định mức ký quỹ đối với nhà đầu tư căn cứ vào kết quả đánh giá tín nhiệm, thị trường kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề prefunding, giúp nâng hạng và gia tăng thanh khoản cho thị trường. Thị trường được dự báo hưởng lợi từ dòng vốn mới khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Ước tính, dòng vốn nước ngoài có thể đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 4-5 tỷ USD với giả định tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số thị trường mới nổi khoảng 0,5-1%. Đồng thời, ước tính các quỹ cũng sẽ đầu tư gấp năm lần khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE, mở ra nhiều cơ hội mới cho các thành viên thị trường.

Ông Nguyễn Sơn tin tưởng, với việc tích cực triển khai hưởng ứng của các thành viên thị trường và nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc chuẩn hóa hệ thống kỹ thuật nền tảng cũng như hướng đến giải quyết những nút thắt còn vướng mắc trong quá trình nâng hạng, kỳ vọng Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng sớm nhất vào tháng 9/2025 theo các tiêu chí của FTSE, trước khi chính thức nâng hạng vào tháng 9/2026.

Trong khi chờ sửa các quy định của pháp luật ngân hàng, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VSDC đang hướng tới điều chỉnh quy trình thanh toán nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc ký quỹ (prefunding) của nhà đầu tư nước ngoài, nhằm hỗ trợ cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam"- ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC).