Bà con các bản làng xa về chợ để mua bán, trao đổi hàng hóa, ăn quà hay chỉ dạo chợ. Còn có một sự kiện ẩm thực thu hút bà con: Cô Nguyên, chủ quán phở Hai Thiền nổi tiếng ở Sài Gòn sẽ đãi bà con món phở vịt quay do chính cô và các "đồng đội" đứng bếp. Giá bán 10.000 đến 15.000 đồng/tô, miễn phí cho người già và trẻ em.
Tin lan đi, chẳng mấy chốc, gian hàng phở trong góc chợ nhộn nhịp người vào ra, hớn hở nhận tô phở nóng hổi, thơm lừng, xì xụp chan húp, cười nói rôm rả. Rất hiếm khi bà con các bản làng trên núi cao được ăn tô phở ngon chính hiệu với nồi nước lèo xương ống heo ninh từ hôm trước, chục con vịt quay vàng giòn bóng mỡ. Bánh phở bột gạo mềm dai vừa độ, nước lèo trong ánh vàng, thịt vịt quay được chặt miếng quân cờ bày trên, chút hành xanh xắt nhuyễn. Ai cũng hít hà hương vị thơm ngon của thảo quả, quế hồi, hành tây, hành ta, gừng nướng toả khói từ tô phở.
Chẳng mấy chốc, nồi nước lèo cạn queo, sau 200 tô phở đã mời bà con. Món phở vịt quay xuất xứ Lạng Sơn, Nguyên đã học hỏi từ hai người bạn chủ quán phở vịt quay Linh Lâm, rủ nhau cùng thực hiện món quà phở cho bà con vùng cao, trong nỗ lực quảng bá món ngon quốc hồn quốc túy.
Bà con ở chợ phiên, bản Chuồng (nơi Nguyên ở trọ) vài tháng nay đã quen với sự xuất hiện của Thanh Nguyên. Cô hay ra chợ chơi, diện trang phục các dân tộc Tày, H’Mông, Thái... thăm thú, trò chuyện với bà con, quan tâm tìm hiểu các sản vật địa phương. Không mấy người biết cô cùng bạn bè đang giúp tìm đầu ra cho nông sản của bà con, giúp làm đường đến những bản làng xa xôi cách trở.
Nguyên "cắm bản" Chuồng đã bốn tháng. Hai năm dịch bệnh, 50% thời gian cô đi khám phá các tỉnh miền núi Tây Bắc, Đông Bắc, để rồi mê đắm cảnh vật, con người vùng cao, Nguyên đã quyết định trụ lại.
Nguyên chuẩn bị nước lèo nấu phở ở bản Phùng. |
Sau hai trào lao đao lận đận vì Covid, Nguyên, 40 tuổi, chủ quán phở Hai Thiền nổi tiếng ở phố Tây Bùi Viện phải ngậm ngùi đóng cửa quán phở của mình. Quán phở cô đầu tư ở Nhật chưa kịp khai trương cũng phải trả mặt bằng vì làn sóng Covid thứ hai ập đến. Ít ai hiểu được nỗi buồn "dẹp tiệm" của cô gái "ăn phở, ngủ phở, nghĩ phở". Nguyên không chỉ bán phở đơn thuần, cô giới thiệu món phở Việt ngon, đặc biệt, bánh phở tráng từ bột gạo, được nhuộm màu bằng nhiều loại rau củ quả... thu hút nhiều thực khách tây và ta. Ngoài quán bán phở, công ty Nguyên còn cung cấp bánh phở, thiết bị sản xuất bánh phở và mở các khóa dạy nấu phở.
Nguyên không ở yên gậm nhấm nỗi buồn thất bại. Giữa những khoảng (Covid) tạm lắng, cô đi đó đây tìm tòi, khám phá và giới thiệu những sản vật địa phương độc đáo. Là người thích du khảo, Nguyên cũng làm nhiều clip giới thiệu đời sống, nét đẹp văn hóa, quảng bá ẩm thực vùng miền trên kênh Youtube Bà Bán Phở của mình. Cắm trụ nhiều tháng trời ở Tây Bắc để tìm kiếm và giới thiệu các sản vật địa phương đến người tiêu dùng, Nguyên lại xê dịch sang Đông Bắc (Cao Bằng, Hà Giang) để rồi mê đắm thêm nơi này và chưa định ngày về "nhà Sài Gòn".
Hai ngày sau chợ phiên bản Chuồng, chúng tôi theo Nguyên lên bản Hò Lù trên núi cao để nấu phở đãi bà con. Xuất hành từ tờ mờ sáng trong mưa gió của cơn bão Maon vừa đổ bộ vùng đông bắc, ai cũng nỗ lực vì lời hẹn với dân bản và các em học sinh không thể đình lại vì bất cứ lý do gì, khi các thầy cô giáo cắm bản gọi báo "Bà con và các em học sinh đã tập trung ở điểm trường".
Bản có 33 hộ dân với gần 200 nhân khẩu nằm trên đỉnh núi cao 1.500m so với mực nước biển, ẩn khuất trong mây mù dày đặc. Chúng tôi lầm lũi bước sau hai chú ngựa thuê để thồ bánh phở và hương liệu nấu phở, trong mưa gió theo đường mòn nhỏ hẹp trơn trợt sình lầy, dài 5km với nhiều dốc núi quanh co.
Các em học sinh và bà con đã chờ các cô Sài Gòn từ sáng. Thanh niên trai tráng, thầy cô giáo cắm bản mỗi người phụ giúp một tay, mổ con heo gần 90kg, nấu nước lèo, nướng thịt, trụng bánh phở... Sau hai giờ đã có nồi phở nóng hổi bốc khói thơm lừng. Dân bản đến rất đông, mỗi nhà nhận ít thịt mỡ heo và cầm theo tô để ăn phở. Nhóm phục vụ không ngơi tay, bà con thưởng thức món phở heo rất hào hứng. Nguyên vui lắm, mắt môi cô long lanh rạng rỡ vì đã thực hiện được điều mình ấp ủ: phở ngon cho đồng bào vùng cao ở những bản làng xa xôi cách trở.
Chúng tôi xuống núi trong đêm tối, lần mò trong ánh sáng điện thoại nhợt nhạt để tránh bước hụt, chệch chân là xuống vực sâu liền kề. 10 km đi và về gian nan khó nhọc, rã rời nhưng ai cũng vui, vui nhất là "Nguyên phở".
Ngày hôm sau Nguyên lại thực hiện "bếp phở gà đen" ngay trên núi cao đối diện hẻm vực Tu Sản bên dòng Nho Quế, dưới chân đèo Mã Pí Lèng. Chúng tôi "phàn nàn" sao Nguyên chọn khó cho mình thế? Để rồi tất cả đều vỡ nhẽ khi nhìn dân làng Thín Ngài phía sau núi xuống ăn phở. Nguyên trong trang phục dân tộc H’Mông bận rộn nấu nước lèo, trụng bánh phở, tận tay múc từng tô phở mời bà con.
Những phụ nữ địu con, những cụ già chống gậy dò từng bước, ai cũng cảm động trước tấm tình của cô gái phương xa. Ai cũng khen phở ngon và cô hàng phở mặc trang phục người H’Mông đẹp quá.
"Dọn gánh phở" ở Mã Pí Lèng, Nguyên tiếp tục hành trình đi bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì để tiếp tục nấu phở đãi bà con dân tộc La Chí, điểm cuối hành trình "phở rong lên vùng cao" của cô.
Để đến được bản Phùng, xe bán tải của chúng tôi phải bò qua con đường đèo dốc quanh ngặt nghèo đầy ổ voi ổ gà, bên vách đá, bên vực sâu hàng ngàn mét. Nguyên chép miệng: "Nấu phở ở phố thị bằng phẳng thì dễ rồi, nhưng đặt bếp củi nấu được một nồi phở ngon tặng dân làng nơi núi cao xa xôi là giấc mơ từ lâu của tôi. Đây là thời điểm tốt nhất để thực hiện".
Bản Phùng nằm giữa bốn bề mây núi, những thửa ruộng bậc thang liền một màu lúa vàng sắp gặt. Những ngôi nhà sàn yên bình giữa thảm lúa mênh mông. Cả nhóm dạo một vòng bản, rồi Nguyên chọn đặt bếp nấu phở giữa thảm lúa bậc thang xanh vàng mướt mát, ngay đường ra vào bản. Món phở tặng bà con bản Phùng, Nguyên chọn thịt bò núi đá ngon, rất nổi tiếng cùng vài chục ký xương ống bò để nấu nước lèo.
Chiều ấy, nắng vàng ươm như mật, người lớn trẻ em từ những ngôi nhà sàn xinh xắn rẽ lúa tụ về nồi phở thơm ngon tỏa hương ngào ngạt. Bếp giữa ruộng bậc thang, dân bản ngồi trên bờ ruộng nhỏ thưởng thức "phở cô Nguyên" giữa những bông lúa trĩu hạt.
Có một sự cảm động khi bạn nhìn dân làng ăn phở mà không phải "ăn" thông thường, không khí như ngày hội vui, hội phở- quà tặng của một cô gái phương nam xa xôi giữa khung cảnh yên bình, đẹp đẽ. Ai cũng vui, nhiều người xin ăn thêm tô nữa, có vài chú bé xếp hàng xin ăn đến tô phở thứ ba. Hạnh phúc nhất là Nguyên, người đã tặng dân làng món quà phở, trân trọng, trong hành trình "phở rong" của mình.
Trở lại với công việc thường ngày, Nguyên lại bận rộn với xưởng sản xuất, đóng gói các món ăn Việt như chè bưởi, bún bò Huế, miến măng vịt, phở bò... xuất sang Mỹ. Gian hàng của cô trên amazone.com bán túi thơm nấu phở và đũa làm từ xương lá buông cũng nhận được phản hồi tốt từ khách hàng nhiều thị trường.
Nguyên cũng đã thuê mặt bằng ngay thị trấn Bảo Lạc (Cao Bằng) để bán phở và nguyên liệu nấu phở, một cách để cô quảng bá ẩm thực hiệu quả. Cửa hàng của Nguyên được thiết kế trang trí khá đẹp, khang trang với vật dụng bàn ghế mây tre lá địa phương, trên kệ là những gói bánh phở nhuộm rau củ đủ màu. Giữa những chuyến đi bận rộn, cô lại nghỉ chân nấu phở, rong chơi với phở.
Dù thế nào, trong hoàn cảnh khó khăn, Nguyên vẫn đeo đuổi giấc mơ của mình, giấc mơ của một người say mê, luôn tìm cách quảng bá rộng rãi món ngon quốc hồn quốc tuý. Nhìn nụ cười luôn rạng rỡ của Nguyên, hướng đi và nỗ lực không mệt mỏi của cô, ai cũng tin cô sẽ không bao giờ gục ngã, sẽ thực hiện được những giấc mơ của mình.
“Có làm gì thì trong tôi vẫn thao thức nỗi phở. Tập trung quảng bá ẩm thực Việt, xuất khẩu nông sản vùng cao đi nước ngoài, tôi vẫn mong muốn mở một quán phở ở vùng cao, đưa món phở ngon tự tay mình nấu đến các bản làng xa xôi trên núi cao mời bà con thưởng thức. Có người cả đời chưa biết hương vị phở là gì”. |
“Chọn phở gà đen (còn gọi là gà H’Mông), tôi muốn giới thiệu loại gà đặc sản thơm ngon, ngọt thịt rất nổi tiếng ở vùng Đông Bắc này. Phụ liệu nấu phở cũng là những món tốt nhất. Mời dân bản phải chọn những thứ ngon, tốt lành nhất để họ được thưởng thức trọn vẹn món ngon”. |