Rèn thói quen đi bộ đúng luật

Lâu nay, rất nhiều người chủ quan khi đi bộ sang đường. Rất ít người đi bộ đúng Luật Giao thông.
0:00 / 0:00
0:00

Hình ảnh người đi bộ dưới lòng đường dành cho phương tiện giao thông khác phổ biến ở nhiều nơi. Còn người đi bộ sang đường ở những nơi không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường… cũng là “chuyện thường ngày” mà du khách nước ngoài “lấy làm lạ”.

Người ta có thể viện dẫn nhiều lý do gây ra thói quen sai luật khi đi bộ. Nào là vỉa hè dành cho người đi bộ nhiều chỗ không có, nếu có thì lại bị hàng quán, xe cộ lấn chiếm. Nào là nhà tôi ở đây, đi bộ sang đường lấy xe chút có làm sao… Rồi còn rất nhiều lý do khác để bao biện cho hành vi đi bộ không đúng quy định, dẫn tới suy nghĩ dường như đã thành nếp: Các phương tiện giao thông hiện đại phải nhường đường, phải biết tránh người đi bộ, kể cả những người không đi bộ đúng theo quy định của pháp luật.

Hành vi đi bộ sai luật ngày càng diễn ra phổ biến, không chỉ ở người già, người trung tuổi, mà rất nhiều sinh viên, học sinh, thậm chí từ học sinh mẫu giáo.

Chính vì thế, mới đây, việc Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) tổ chức các đội tuần tra để xử phạt những người đi bộ không đúng nơi quy định đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều trường hợp người đi bộ bị nhắc nhở, bị xử phạt là một cách thực thi luật một cách sòng phẳng. Bởi đi bộ sai luật cũng giống như đi xe máy, đi ô-tô sai luật mà thôi. Tất cả những hành vi sai luật đều cần điều chỉnh thông qua các chế tài pháp luật. Không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Để tạo thói quen đi bộ văn minh, đi bộ đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ, đã tới lúc cần có một chiến dịch tuyên truyền tổng thể trong cả nước. Giống như chiến dịch ra quân xử phạt người tham gia giao thông khi vượt quá nồng độ cồn cho phép đã được xã hội hết sức ủng hộ vì nó mang lại những tín hiệu tích cực. Khi luật đã quy định, khi đã tuyên truyền, nhắc nhở mà ý thức người tham gia giao thông không thay đổi, thì nhất định áp dụng các hình thức xử phạt.

Đừng để cho bất cứ ai, ở bất cứ lứa tuổi nào có suy nghĩ chỉ có các phương tiện giao thông như ô-tô, xe máy… mới cần quan tâm, xử phạt; người đi bộ thì được du di, được ưu tiên. Cũng đừng nghĩ chỉ những người điều khiển phương tiện giao thông vượt quá nồng độ cồn quy định mới đáng bị xử phạt. Để bảo đảm an toàn trong giao thông thì người đi bộ có hành vi vi phạm Luật Giao thông cũng cần xử lý nghiêm.