Tìm lại sự tương tác trong chèo

Những năm gần đây, không chỉ ở miền bắc, mà trong các tỉnh, thành phố phía nam, các phong trào hát chèo ngày càng phát triển mạnh mẽ, gia tăng về số lượng các câu lạc bộ (CLB).
0:00 / 0:00
0:00

Theo quan sát của soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca, Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam, tình yêu chèo còn lan rộng trên mạng xã hội. Mọi người thường đăng video hoặc phát trực tiếp những khúc hát chèo do mình thể hiện lên các hội, nhóm trên nền tảng số, để kết nối, giao lưu với những người yêu chèo toàn quốc. Qua 8 mùa liên hoan Giao lưu những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc do Phòng dân ca phối hợp tổ chức, ông Lạng còn ghi nhận, có những thành viên từ các CLB sẵn sàng đầu tư tham gia để thỏa niềm đam mê ca hát.

Phong trào tuy sôi nổi là thế, nhưng xét về chất lượng nghệ thuật thì chưa tương xứng. Bởi nhiều CLB mới chủ yếu hát những làn điệu phổ biến, hoặc sáng tạo hơn là đặt lời mới trên những làn điệu quen thuộc. Theo PGS, TS Đặng Hoành Loan, nguyên Phó viện trưởng Âm nhạc, ngoài âm nhạc, nghệ thuật chèo được cấu thành từ các thành tố khác như: vở diễn, diễn xuất, trang phục và sân khấu. Chèo là nghệ thuật sân khấu, chứ không đơn thuần là hình thức nghệ thuật ca hát.

Đặc biệt, nghệ nhân xưa trong mỗi buổi diễn, dựa vào sự tung hứng của những người đến xem, lại sáng tạo ra những cách diễn, cách hát, cách đối đáp đầy ngẫu hứng. Ông Mai Văn Lạng cho rằng, đó chính là khả năng ứng tác trong chèo dân gian, khó có thể tìm thấy ở những sân khấu chèo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong những cuộc điền dã cách đây khoảng 25 năm, TS Đặng Hoành Loan đã ghi nhận sự mai một tính dân gian trong nghệ thuật chèo ở nhiều địa phương trên khắp đồng bằng Bắc Bộ. Thay vì tồn tại chèo chuyên nghiệp và chèo dân gian như trước đây, thì hiện nay chỉ còn phân biệt giữa chèo chuyên nghiệp biểu diễn trong các nhà hát và chèo không chuyên nghiệp do các câu lạc bộ ở các địa phương tổ chức.

Việc khôi phục chèo dân gian là rất quan trọng dù không hề đơn giản. Bởi các nghệ nhân có thể ngẫu hứng trên sân khấu chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cùng với học hỏi từ thế hệ nghệ nhân lớn tuổi, nguồn tư liệu do Viện Âm nhạc quay, chụp cách nay khoảng 30 năm cũng là một cơ sở đáng tin cậy. Bản thân người biểu diễn bên cạnh nắm vững kịch bản, có kỹ năng biểu diễn tốt, còn phải có vốn am hiểu sâu sắc về các tích truyện cổ, phong tục tập quán để có thể dẫn dắt người xem tương tác với mình nhiều hơn. Cộng hưởng với yếu tố trên, nhạc công cần phải có kỹ thuật giỏi để chơi nhạc theo tiếng hát của người biểu diễn.