Cần “chính sách xanh” đồng bộ

Biến đổi khí hậu đã được cảnh báo từ lâu và ngày càng cấp bách. Thế giới đang nóng lên nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào khác được ghi lại trong lịch sử cùng những diễn biến cực đoan của thời tiết.
0:00 / 0:00
0:00

Thực tế càng chứng minh cho những tiên lượng về sự nóng lên toàn cầu ập đến nhanh, dữ dội, bất thường, khiến cho nhiều người dù có thể “lạc quan tếu” rằng, một tương lai nắng nóng bỏng rát nào đó sẽ vẫn ở… thì tương lai, cũng sẽ giật mình nhận ra điều đó đang là hiện tại.

Trong những ngày qua, tình trạng nắng nóng gay gắt đang trực tiếp đe dọa sức khỏe, tình hình lao động sản xuất, học tập, sự đi lại và ngay cả việc đi du lịch của đông đảo người dân. Thực trạng này cũng không chỉ đang “làm nóng” các khu đô thị, các vùng tập trung đông dân cư, mật độ xây dựng và giao thông cao mà ngay cả nhiều vùng nông thôn, vùng trung du, miền núi cũng phải gánh chịu, nếm trải cái nắng, nóng cứ theo thời gian lại khắc nghiệt hơn trước.

Điều này càng cho thấy tính liên đới giữa các địa bàn, khu vực. Để mỗi chính quyền địa phương hay cộng đồng dân cư càng hiểu hơn rằng, việc chung tay ứng phó biến đổi khí hậu không chỉ một nơi, một số bộ phận nào đó làm là đủ. Mà đó phải là trách nhiệm của tất cả. Tuy nhiên, điều này còn thiếu đồng đều, đồng bộ, chưa phổ biến ở nhiều nơi, cũng như chưa trở thành ý thức tự thân, thành nhận thức sát sườn về việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường, tái tạo sự trong lành thì sẽ chống lại được những biến đổi tiêu cực của thời tiết, khí hậu.

Sự cộng hưởng chung của rất nhiều công việc ở nhiều nơi như trồng cây, phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển vùng xanh nông thôn, đô thị, bảo vệ và phát triển hệ thống mặt nước, hạn chế đô thị hóa, bê-tông hóa phá vỡ quy hoạch chung… mới có thể góp phần tạo nên một bầu không khí xanh, sạch, mát mẻ, giảm nhiệt cho những vùng không gian rộng lớn, giúp cho đời sống của mọi đối tượng diễn ra trong đó được dễ chịu hơn. Còn thực tế, nếu chỉ có một số địa bàn tích cực trồng cây lấy bóng mát chẳng hạn, trong khi các địa bàn lân cận lại xây dựng tràn lan, bỏ ruộng vườn và nhiều vùng đất trống khô cằn, hoặc không giải quyết được ô nhiễm sông, hồ, thậm chí lại lấp đi nhiều diện tích mặt nước, thì những nỗ lực nhỏ lẻ cũng khó thấm vào đâu trước sự tiến công dữ dội của thiên nhiên, thời tiết.

Bởi thế, cùng với chủ trương chung thúc đẩy trồng cây, gây rừng, làm sạch nguồn nước, bảo vệ mặt nước cùng các biện pháp làm giảm sự tăng nhiệt độ như tiết kiệm năng lượng, hạn chế rác thải nhựa, chế biến rác hiệu quả, giảm khí thải…, thì cần lắm việc biến chủ trương này thành pháp lệnh, thành quy định áp dụng rộng khắp. Kèm theo là những điều khoản quy định cho việc kiểm tra, thúc đẩy, đánh giá hiệu quả thực trong các công việc trên. Phải có sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện những “chính sách xanh” mới có thể điều chỉnh, làm chuyển biến được tình hình đang ngày càng gay gắt, cực đoan hơn của khí hậu, thời tiết hiện nay và thời gian tới.