Bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh

Hơn một tháng nữa, kỳ thi vào 10 THPT tại Hà Nội năm học 2024-2025 sẽ diễn ra. Kỳ thi này vốn được đánh giá là khá căng thẳng vì cơ hội giành suất học vào lớp 10 công lập đối với các thí sinh tại khu vực nội đô rất khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00

Có lẽ khó như vậy nên mới có tình trạng, từ nửa đêm, phụ huynh chen lấn, xô đẩy mua hồ sơ cho con vào một số trường THPT (theo mô hình công lập tự chủ tài chính) trên địa bàn quận Đống Đa, Hai Bà Trưng… từ những năm học trước. Thời điểm này, nhiều trường THPT tư thục cũng thông báo nhận hồ sơ xét tuyển, kèm theo đó, phụ huynh phải nộp khoản tiền để “đặt cọc” hay còn gọi là giữ chỗ học cho con.

Các khoản phí này đều do nhà trường đặt ra với nhiều mức khác nhau. Thí dụ, các trường Đoàn Thị Điểm, trường Phenikaa, trường Lê Quý Đôn… có mức ghi danh dao động trong khoảng từ 2-6 triệu đồng. Nhiều trường có mức phí cao so thu nhập của đa số phụ huynh như Trường THPT Lý Thái Tổ (Cầu Giấy) 11 triệu đồng/học sinh; Trường THPT Newton 12 triệu đồng; Trường Lương Thế Vinh 15 triệu đồng; Trường THPT Hà Nội Academy (Tây Hồ) 20 triệu đồng; Trường THPT Archimedes Academy (huyện Đông Anh) 23 triệu đồng…

Mức phí cao nhưng lại dưới danh nghĩa phụ huynh hoàn toàn tự nguyện, dựa trên thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Khi phụ huynh đã làm thủ tục, số tiền cọc không được lấy lại nếu học sinh không theo học tại trường. Nhiều phụ huynh cực chẳng đã phải bỏ số tiền lớn giữ chỗ học cho con, để con giảm bớt áp lực thi cử, nhưng bản thân các gia đình lại đang vô cùng áp lực vì luôn ở thế bị động, không có nhiều sự lựa chọn.

Theo định hướng của ngành giáo dục, số học sinh trượt lớp 10 công lập (40%) sẽ vào học tại các trường THPT tư thục, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên, các trường nghề có giảng dạy văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn muốn cho con được theo học tại các trường THPT công lập với mức học phí thấp và chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất tốt. Đó là nhu cầu chính đáng. Đại diện ngành giáo dục Hà Nội cũng khẳng định, học sinh ở Hà Nội không thiếu chỗ học. Tuy nhiên, đó là phép tính trung bình. Thực tế các quận nội đô, trường học không xây mới, tỷ lệ dân số nhập cư tăng cao nên học sinh dù có đạt 8 điểm/môn vẫn trượt suất vào lớp 10 công lập. Trong khi, ở các huyện ngoại thành, vùng ven, các trường THPT công lập lại không tuyển đủ chỉ tiêu.

Hiện nay, tuy bậc THPT chưa phổ cập nhưng để bảo đảm lợi ích học tập của học sinh, đòi hỏi giải quyết nhiều vấn đề. Đó là tại các đô thị lớn, cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị mới, bắt buộc phải có trường học để đáp ứng nhu cầu cư dân trên địa bàn, kiên quyết thu hồi các dự án treo để có quỹ đất xây trường… Bên cạnh đó, làm sớm, làm tốt công tác phân luồng từ bậc THCS, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, môi trường học tập ở các trung tâm giáo dục thường xuyên để khuyến khích học sinh theo học nghề sớm. Trước mỗi kỳ tuyển sinh, ngành giáo dục cần quyết liệt vào cuộc, tăng cường sự quản lý chặt chẽ để tạo sự công bằng và minh bạch trong chính sách thu phí của các trường tư thục.