Nâng cao hiệu quả tiếp nhận thông tin

Thời gian qua, nhiều cổng thông tin, trang Facebook, Zalo… của các cơ quan công quyền, các đơn vị chức năng với mục tiêu tuyên truyền, thông tin về hoạt động của địa phương, ngành nghề; tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, góp ý của các cá nhân, tổ chức về những hiện tượng, tình trạng, vấn đề nóng, nổi cộm trên địa bàn, hoặc có liên quan đến quyền lợi người phản ánh, hoặc có ảnh hưởng, tác động đối với quyền lợi chung của cộng đồng được công bố, đã góp phần tăng cường niềm tin của người dân về việc giải quyết nhanh gọn, kịp thời những vấn đề, thông tin mà người dân gửi đến.
0:00 / 0:00
0:00

Tuy nhiên, trong khi tinh thần quyết tâm cao, quyết liệt khi công bố thì vẫn có những địa phương, đơn vị, việc tiếp nhận, xử lý thông tin, giải quyết vụ việc, hiện tượng theo cung cấp của người dân lại có xu hướng chậm lại, loãng ra. Thậm chí có trường hợp, khi người dân phản ánh thì hồi âm lại rằng, đề nghị gửi đến đơn vị chức năng cơ sở, trong khi trách nhiệm nên làm của bộ phận tiếp nhận là gửi nội dung phản ánh xuống cơ sở để cơ sở xử lý hoặc phối hợp giải quyết. Hoặc có khi thông tin được người dân gửi đến địa chỉ email được ghi trên cổng thông tin nhưng sau đó lại nhận hồi âm lỗi, không gửi được, hoặc chậm trả lời, hướng dẫn gửi thông tin thế nào cho hiệu quả, đúng nơi, đúng người hơn. Bên cạnh đó, có thể thấy việc công bố kết quả xử lý, giải quyết theo thông tin cung cấp hay kiến nghị cũng chưa được chú trọng. Trong khi người cung cấp hay người dân nói chung đều rất quan tâm đến kết quả, cho thấy trách nhiệm, hiệu quả xử lý của cơ quan chức năng cũng như sự quan tâm đối với người dân, cộng đồng xã hội.

Để nâng cao hiệu quả của các kênh thông tin này, rất cần rà soát, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động và sự nghiêm túc của các bộ phận tiếp nhận thông tin này, cũng như ý thức trách nhiệm và hành động giải quyết của các cơ quan công quyền hay đơn vị chức năng theo lĩnh vực như an ninh trật tự, giao thông, vệ sinh môi trường, quản lý thị trường… Đó cũng là những lĩnh vực thường xảy ra sự cố như có sai phạm gây va chạm, lấn chiếm gây ùn tắc giao thông; tranh chấp trong sử dụng không gian vật chất ở cơ sở; xây dựng hoặc xả rác bừa bãi gây ảnh hưởng đến người dân; hàng hóa tiêu thụ có dấu hiệu làm giả, hàng gian, hàng lậu… Đó cũng là những nội dung mà nhiều người dân khi phát hiện, rất nhiệt tình cung cấp cho chính quyền, cơ quan chức năng.