Nhìn từ địa phương có số tàu lớn nhất cả nước
Kiên Giang là địa phương có số tàu đánh bắt cá lớn nhất cả nước, với hơn 8.210 chiếc đã đăng ký. Ngành khai thác thủy sản của tỉnh đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức; tình trạng khai thác quá mức dẫn đến ngư trường bị suy giảm nghiêm trọng, tác động đến đời sống của ngư dân. Một số chủ tàu, thuyền trưởng vì áp lực tài chính, vay nợ ngân hàng, đưa tàu đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Điều này ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, khi Ủy ban châu Âu (EC) áp cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam.
Đoàn thanh tra của EC đã chỉ ra bốn hạn chế tỉnh Kiên Giang cần phải khắc phục sớm là: Vẫn còn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài; còn tàu mất kết nối; việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chưa bảo đảm yêu cầu; công tác quản lý đào tạo chưa chặt chẽ, trong đó còn tàu “ba không”.
Để giải quyết những điểm nóng nói trên, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, sở, ban, ngành và địa phương khắc phục triệt để các hạn chế, yếu kém về chống khai thác khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh với quyết tâm chính trị cao nhất, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Hiện Kiên Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước xét xử vụ án liên quan đến chống khai thác IUU. Ngày 29/1/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bốn bị cáo cùng ngụ tỉnh Kiên Giang từ một đến tám năm tù về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết: “Tỉnh không muốn người dân bị xử lý hình sự, tuy nhiên để bảo đảm quyền lợi chung, những trường hợp cố ý vi phạm pháp luật phải bị xử lý nghiêm. Tỉnh mong ngư dân khai thác thủy sản phát triển kinh tế nhưng phải thực hiện đúng quy định pháp luật để giữ gìn uy tín của ngành thủy sản Việt Nam trên thương trường quốc tế”.
Đi đôi với việc quyết liệt phòng, chống khai thác bất hợp pháp, Kiên Giang còn xây dựng nghề cá có trách nhiệm, tiến hành tái cấu trúc ngành thủy sản, theo hướng cắt giảm số lượng tàu cá, sắp xếp lại ngành khai thác phù hợp, bảo đảm sinh kế cho ngư dân gắn với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Hiện thực hóa điều này, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Kiên Giang cắt giảm các tàu có chiều dài dưới 12 m hoạt động các nghề có tính chọn lọc thấp như lưới kéo, nghề lồng, lú, cào sò…
Những chuyển biến tích cực
Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh nỗ lực siết chặt hoạt động của các tàu cá vi phạm. Từ đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra tàu cá đang hoạt động trên các vùng biển Quảng Ninh. Qua công tác kiểm tra, cơ bản các chủ tàu đã có ý thức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, vẫn còn một số lỗi trong quá trình kiểm tra như: Khai thác không đúng nghề giấy phép, khai thác sai vùng khai thác, một số tàu hết hạn đăng kiểm...
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh) cho biết, việc lắp thiết bị kết nối hệ thống giám sát tàu cá tuyến khơi nhằm thực hiện giám sát hành trình để cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, truy vết quá trình khai thác hải sản trên biển của các tàu cá có đúng vùng và có vượt ranh giới trên biển hay không. Đây là quy định bắt buộc đang được tỉnh tập trung xử lý để khắc phục những cảnh báo của EC về chống khai thác IUU tại Quảng Ninh.
Tương tự, trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để chống khai thác IUU và đã đạt được những kết quả tích cực. Tính từ năm 2018 đến năm 2023, đã xử phạt vi phạm hành chính 3.346 vụ với số tiền phạt là hơn 24 tỷ đồng, trong đó Chi cục Thủy sản xử phạt 2.500 trường hợp/thu phạt hơn 21 tỷ đồng…
Cơ quan chức năng các tỉnh: Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Định… cũng tích cực phát hiện, xử lý vi phạm, đồng thời phối hợp Cục Kiểm ngư và các đơn vị khác xử lý vi phạm. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đang triển khai tổng rà soát các tàu cá trên địa bàn, nắm thông tin bao gồm số lượng, tàu cá đã được đăng ký, đăng kiểm, cấp phép; tàu cá đã chuyển nhượng, xóa đăng ký; tàu cá hoạt động ngoài tỉnh hoặc chưa lắp thiết bị giám sát hành trình.
Nói về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc thực hiện khuyến nghị từ của EC, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam kiến nghị: “Cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát sản lượng khai thác bốc dỡ tại cảng cá, thực hiện nghiêm việc ghi và nộp nhật ký khai thác một cách thực chất”.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài xử lý vi phạm liên quan phòng chống khai thác IUU, cần cắt giảm đội tàu khai thác, đặc biệt là các tàu khai thác ven bờ, cấm khai thác tận diệt. Trong đó có hành vi sử dụng chất cấm, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm hướng tới xây dựng nghề cá bền vững.
Thời gian tới, ngoài xử lý vi phạm, Cục Kiểm ngư cũng cần tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân để bà con an tâm bám biển sản xuất, góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư đã phát hiện và xử lý hơn 12 nghìn lượt tàu cá vi phạm khai thác IUU, lập biên bản, ra quyết định xử phạt thu nộp ngân sách khoảng hơn 100 tỷ đồng. Nhờ đó, từng bước giảm dần các hành vi vi phạm khai thác trên biển.