Mới đây, trong bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ: “So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học - công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý “Nói không đi đôi với làm”.
Bộ máy mô hình cũ tồn tại cùng nhiều hạn chế đã được chỉ ra lâu nay. Trong những kỳ Đại hội lần thứ IX, XII, XIII của Đảng đều đặt ra nhiệm vụ cụ thể tinh gọn bộ máy, nghiên cứu mô hình tổ chức bộ máy trong giai đoạn mới. Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận số 50-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18… Rõ ràng chúng ta đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, dường như điều đó vẫn là chưa đủ để đạt được những bước tiến lớn. Cứ sau một “chu kỳ”, vấn đề lại phải làm nóng.
Thực tiễn triển khai công tác tinh gọn bộ máy nhiều năm qua cho thấy đây là việc làm khó. Chỉ tính riêng trong phạm vi một cơ quan, đơn vị, để giảm bớt đi những đầu mối không cần thiết, việc giữ lại người này, chuyển người khác đi cũng có thể gặp rất nhiều trở ngại. Nếu bắt buộc phải giảm “đầu” này thì người ta lại tìm cách mở rộng “đầu” khác. Ở một số nơi, thậm chí còn có tình trạng cán bộ trong nhiệm kỳ của mình cố gắng xin thêm “ghế”, mở rộng thêm các đầu mối chức năng... Trong vấn đề tinh gọn bộ máy, có người từng phải thốt lên: chúng ta đang đặt ra mục tiêu quá sức. Từ đó có thể thấy đây là chủ đề không bao giờ cũ, luôn có tính thời sự bởi lâu nay công tác triển khai chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
Nếu so sánh về quy mô, hiệu quả của bộ máy ở Việt Nam với một số quốc gia khác sẽ là khó khăn. Các điều kiện về dân số, quy mô nền kinh tế, thể chế... hầu như không thể tương đồng. Các nước có cùng quy mô dân số, điều kiện phát triển chưa chắc có bộ máy tinh gọn hơn Việt Nam. Những nước có bộ máy hiệu quả hơn lại ở trình độ phát triển cao, hầu hết là những nước phát triển. Những cải cách mang tính bước ngoặt cần những mục tiêu cụ thể, mang tính đột phá.
Xét trên chừng mực nào đó, khi hướng đi và đích đến đã rõ ràng thì cần đến sự quyết tâm, ý chí chính trị của người đứng đầu. Trong hoàn cảnh hiện tại, nhân dân đang kỳ vọng từ các chủ trương, quyết sách đề ra, chúng ta sẽ triển khai ra sao để bảo đảm đưa chủ trương, nghị quyết triển khai vào thực tế được hiệu quả, thiết thực nhất. Từ đây, có thể khơi dậy quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến từng cơ quan, đơn vị để làm cho ra làm, quyết liệt trong thời gian ngắn nhất hướng đến những kết quả cụ thể.