Cùng với đó, nhiều hoạt động mang tính lễ hội văn hóa, giải trí, sự kiện nghệ thuật lớn không chỉ ở một số trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn cũng được hoãn, lùi tổ chức, gia giảm quy mô nhằm tiết kiệm về chi phí. Đó cũng là những cách chia sẻ, cảm thông với người dân các địa bàn vừa gánh chịu đau đớn mất mát người thân, nỗi buồn lo mất mát cửa nhà, phương tiện.
Chủ trương bớt, giảm đi những hoạt động, sự kiện quy mô, hoành tráng chưa thật sự cần thiết, rộng hơn là tiết giảm chi phí trong nhiều hoạt động khác nhau, sẽ phần nào san sẻ nguồn lực của ngân sách, các địa phương, ban, ngành, nguồn xã hội hóa và mối quan tâm của công chúng sang các hoạt động cứu trợ, thiện nguyện. Như vậy sẽ góp phần tăng thêm kinh phí cho việc ổn định cửa nhà, phục hồi sản xuất của đồng bào vốn sẽ cần nhiều về phương tiện, thiết bị, nhân lực trong những ngày tới.
Về mặt tinh thần, đó cũng là sự nhắc nhớ cần thiết đối với người dân các vùng được an toàn hoặc ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, rằng trong niềm vui kỷ niệm, vui giải trí, vui du lịch, vui an toàn để làm ăn, phát triển bình thường cũng nên nghĩ và nghĩ nhiều hơn đến những nơi đang còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, còn lầy lội, chật vật, thiếu thốn, sẽ phải lâu nữa mới phục hồi được như trước.
Đó cũng là sự nhắc nhớ ân tình và thiết thực trong việc tô đậm, phát huy tinh thần tương thân tương ái, san sẻ, đùm bọc vốn đã là đạo lý, truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Trong những ngày qua, cả xã hội đã chứng kiến nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực hướng về vùng bão lũ. Sự phong phú và sáng tạo còn được thể hiện qua một số chương trình nghệ thuật gây quỹ, kêu gọi ủng hộ đồng bào. Điều này càng chứng minh cho sức sống và biểu hiện đa dạng của truyền thống, đạo lý trường tồn mà dân tộc ta, nhân dân ta đã giữ gìn, làm sáng lên qua những chặng đường lịch sử, trong những năm dịch bệnh, thiên tai dữ dội vừa qua.
Trong những ngày qua, dư luận xã hội bàn luận, tôn vinh nhiều về việc phát huy truyền thống tốt đẹp đó. Nhưng cũng được quan tâm và cần tiếp tục bàn luận sâu hơn, nhiều hơn, là việc làm sao phát huy sáng tạo trong những hoàn cảnh, bối cảnh như hiện tại. Thí dụ như nhiều hình thức hỗ trợ sát thực, phù hợp điều kiện nhiều địa phương, địa bàn khác nhau. Thí dụ như những quyết định kịp thời trong việc dừng, giảm các hoạt động quy mô lớn nhân dịp chào mừng, kỷ niệm. Thí dụ như việc triển khai các hoạt động hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh sau bão lũ…
Những chủ trương, lựa chọn nhân văn như thế, đã xuất hiện và càng cần hiện diện nhiều hơn. Và chính hiệu quả từ đó sẽ tiếp tục khích lệ người dân, xã hội chung tay, sáng tạo nhiều hơn trong các hình thức hỗ trợ, đùm bọc, sẻ chia, đắp bồi cho sự phát triển vững bền của đất nước, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau.