Xây dựng ý thức về thương mại điện tử

Khi các loại hình thương mại điện tử gần như đã trở nên quen thuộc trong thói quen người tiêu dùng, các nhà sản xuất trong nước lại đang đứng trước một thách thức mới. Thị trường không biên giới, mọi sản phẩm đều có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng. Các công ty lớn bắt đầu thúc đẩy những kịch bản đầy tính toán nhằm thôn tính các thị trường mới với những chiến thuật kinh điển, giảm giá sâu.
0:00 / 0:00
0:00

Mới đây, Temu, một nền tảng thương mại điện tử, thuộc chi nhánh của Pinduoduo (PDD Holdings) Trung Quốc và có trụ sở tại Mỹ, ra đời khoảng 2 năm nhưng đã lấn sân cả Amazon. Năm 2023, đây là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên Iphone tại Mỹ. Đương nhiên số lượng hàng hóa mua bán cũng tỷ lệ thuận theo đó.

Giá niêm yết các mặt hàng trên Temu không phải quá rẻ so các mặt hàng trên các nền tảng khác. Sự hấp dẫn của Temu đến từ những voucher giảm giá (lên tới 30% cho mỗi sản phẩm). Bên cạnh đó người mua còn được ưu ái bằng chính sách giao hàng miễn phí, đổi trả hàng miễn phí trong 90 ngày. Cuối cùng mức chi phí người dùng phải bỏ ra cho một sản phẩm thấp hơn hẳn so với thị trường.

Trong phiên họp tổ về kinh tế, xã hội sáng 26/10, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nói "đây là sự cảnh báo rất lớn", bởi sản phẩm giá rẻ nước ngoài tràn vào qua kênh này sẽ triệt tiêu hàng hóa trong nước. Điều đặc biệt hơn cả, sự đe dọa hiện hữu này lại đến ngay cả khi Temu vẫn chưa được đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. Những hoạt động mua bán nhộn nhịp trên Temu đều không được giám sát và nộp bất cứ một đồng thuế nào.

Trong khi chờ đợi chủ sở hữu Temu có những động thái chính thức đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, một số người tiêu dùng vẫn mạnh dạn tuyên bố tranh thủ mua hàng.

Chúng ta không thể đóng cửa đối với hàng hóa từ nước ngoài. Nhưng một khi hoạt động mua bán chưa được đăng ký thì bản thân hoạt động này đã nằm ngoài pháp luật. Trước tình hình này, các cơ quan quản lý đã bắt đầu có những bước đi quyết liệt. Trong một động thái mới nhất, Bộ Công thương đã giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động liên hệ Temu, đề nghị tuân thủ pháp luật Việt Nam. Dù sớm hay muộn, nhà sản xuất cũng phải nâng cao chất lượng để tăng sự cạnh tranh. Đồng thời người tiêu dùng chỉ nên tham gia những hoạt động mua bán được pháp luật thừa nhận. Có như vậy chúng ta mới góp phần giúp cho hoạt động thương mại điện tử tuân thủ đúng quy định thương mại trong nước và quốc tế.