Nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta triển khai quyết liệt với nhiều phương thức, nỗ lực mới.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được gắn chặt với thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với việc kiểm tra, rà soát, phê phán, xử lý và loại bỏ những mầm mống, những sai phạm trong công việc thực hiện nhiệm vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động quản trị xã hội. Nhìn sâu xa, là gắn với mọi mặt đời sống, trong mọi lĩnh vực quan trọng của đất nước, ngay từ các hoạt động chăm sóc, phục vụ nhân dân, xóa đói, giảm nghèo hay xây dựng nông thôn mới cũng như trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, giáo dục, y tế…

Chẳng hạn, chỉ tính riêng trong sự vận hành, phát triển kinh tế xã hội thì có rất nhiều các công việc, hoạt động, chương trình, dự án, đề án. Tất thảy đều liên quan đến các khoản chi, các nguồn quỹ, sự hợp tác hay cho phép, cùng các thủ tục cần thiết và các mức độ quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia. Đây là những chỗ dễ nảy sinh tệ nạn đút lót, hối lộ, chạy chọt có liên quan trực tiếp tới các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Vì thế chúng làm ảnh hưởng đến sự vận hành các hoạt động kinh tế, xã hội, làm giảm tính minh bạch, nhân văn của mục đích tốt đẹp phục vụ xã hội cũng như đội lên các nguồn chi phí, công sức, từ đó gây ra lãng phí, cản trở sự phát triển chung. Chống tham nhũng, lãng phí cũng chính là chống lại những gì cản trở đà phát triển đó.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc phòng, chống cần trở nên việc thường xuyên trong xã hội mà từ các cấp lãnh đạo cho đến cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội, các đoàn thể, cho đến các cá nhân đều có trách nhiệm và cả quyền lợi liên quan. Đảng và Nhà nước khẳng định, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân.

Và như vậy, đó cũng là nhiệm vụ quan trọng cần mọi người cùng góp sức tham gia. Cũng là công việc đương nhiên, không thể thiếu, bởi phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh các yếu tố văn hóa, đạo đức, giáo dục con người vẫn còn có những bất cập, việc hoàn thiện các cơ sở pháp luật vẫn phải tiếp tục, vẫn sẽ có những nguy cơ lợi dụng các kẽ hở để trục lợi bất chính.

Những năm qua, chúng ta đã có các cơ chế khuyến khích người dân quan tâm, đóng góp vào hoạt động phòng ngừa, tố giác tội phạm; phát huy quyền làm chủ của nhân dân để giám sát, phản biện, góp ý với hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội; phổ biến các quy trình, thủ tục để người dân có căn cứ pháp luật, lên tiếng phản ánh, tố cáo những hành vi sai trái… Từ hiệu quả của những cách làm này, rất cần nâng cao hơn nữa vai trò giám sát, chất vấn của người dân; nâng cao ý kiến của nhân dân trong việc cảnh báo nguy cơ và thúc đẩy tiếng nói quần chúng, dư luận trong việc chứng minh, cung cấp thông tin, tài liệu về các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Càng phát huy được như vậy, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng trở thành nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân; thành công việc thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ trong cuộc sống hằng ngày, vì sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.