Thời gian qua, đã có một số cuộc nhìn lại hoạt động lý luận phê bình của đất nước gần 50 năm qua, trong đó có hội thảo khoa học lớn do Hội đồng phối hợp tổ chức. Các hoạt động đó góp phần đem lại cái nhìn bao quát, những đánh giá cụ thể và đầy đủ hơn về sự phát triển, những đóng góp của công tác lý luận phê bình đối với hoạt động sáng tạo, công bố tác phẩm văn học nghệ thuật của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Rộng hơn, là sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa của nước nhà, có liên quan đến vai trò của nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng trung ương và địa phương.
Hội nghị liên quan đến lĩnh vực văn học chuẩn bị diễn ra. Rất cần có sự quan tâm, tham khảo và triển khai của các hội nghề nghiệp về nghệ thuật như điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, âm nhạc, múa, văn nghệ dân gian… Rất mong sự chú trọng của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam để cùng với các hội thành viên mở ra các diễn đàn sâu rộng về lý luận phê bình.
Một mặt, đây là sự nhìn lại, nhưng quan trọng và cấp thiết hơn, là gợi mở ra tầm nhìn về phía trước, bàn thảo và gợi ý về các hoạt động, hướng đi của công tác lý luận phê bình, phát triển và củng cố đội ngũ làm công tác này. Đặc biệt là quy tụ được nhiều đề xuất, góp ý hay, cụ thể, cặn kẽ của các nhà lý luận phê bình, các văn nghệ sĩ với Đảng, Nhà nước, ngành văn hóa, các bộ, ngành liên quan trong xây dựng, phát huy chính sách hỗ trợ, đồng hành, hợp tác và khuyến khích các nhà lý luận phê bình, các hoạt động nghề nghiệp lý luận phê bình.
Có rất nhiều địa bàn cần sự áp dụng tích cực hơn của các chính sách mới, tiến bộ, phù hợp xu thế, như trong lĩnh vực đào tạo với sự thiếu hụt trầm trọng người học lý luận phê bình sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa… Như trong việc thực hành vào đời sống văn nghệ, đang thiếu vắng tiếng nói chuyên môn của người làm lý luận phê bình trên nhiều lĩnh vực. Như trong sự nghiệp phổ biến tri thức, nâng cao thẩm mỹ cho quần chúng nhân dân, thì vẫn còn những hạn chế, chậm trễ, khó khăn trong việc truyền tải những nhận thức, giá trị đặc sắc của các thành tựu lý luận phê bình vào nguồn tri thức phổ thông nhằm trang bị và bồi bổ cho công chúng…
Những vấn đề lớn nhưng rất thiết thực, gần gũi như thế cần được các nhà lý luận phê bình, các văn nghệ sĩ nói lên, trao đổi, để cùng tìm ra chìa khóa cho thật nhiều những câu hỏi gắn bó với cuộc sống. Như làm thế nào để mọi người đến triển lãm tranh, ảnh, tượng nhiều hơn? Làm sao để người bình thường nghe nhạc, nghe hát cảm nhận rõ hơn được cái hay, và biết nhận ra chỗ nào chưa ổn? Làm gì để nhà văn, đạo diễn… tiếp thu, đón nhận ý kiến của nhà phê bình một cách cởi mở hơn? Cũng như, có thể hỗ trợ gì nhiều hơn cho các công trình lý luận phê bình xuất sắc về thù lao thực hiện, về nhuận bút, về phát hành, quảng bá, tái bản? Hoặc, trước sự thiếu hụt người học thì Nhà nước, ngành văn hóa, ngành giáo dục cần có đãi ngộ gì thiết thực về học phí, việc làm… cho những người dấn thân vào nghề lý luận phê bình…?
Chờ đợi rất nhiều ở những cuộc nhìn lại và hướng tới về lý luận phê bình với giá trị phổ biến và ý nghĩa ứng dụng cao, trên chặng đường cùng cả nước hướng về dấu son kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.