Tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự chủ động, quyết liệt, tính hiệp đồng cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội là điểm nhấn quan trọng trong việc chống chọi đợt bão lũ vừa rồi. Theo đó, công tác dự báo, cập nhật tình hình, việc thông tin và phối hợp chủ động phòng chống, đối phó với bão lũ giữa nhiều cơ quan, lực lượng, địa phương đã được triển khai liên tục, góp phần nâng cao trách nhiệm và tăng hiệu quả phòng, tránh, chống đỡ, cứu hộ, cứu nạn. Tính chất sâu rộng, cụ thể trong tuyên truyền, dân vận đối với xã hội, cộng đồng cũng được thể hiện, nêu cao ý thức chủ động và tự chuẩn bị của người dân, nên cũng hạn chế được thương vong khi cơn bão tàn phá trên một số địa bàn. Đáng chú ý, còn là sự nhanh chóng, tích cực và kịp thời của lực lượng chức năng và nhiều địa phương cơ sở trong triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn cũng như các cơ quan, đoàn thể sớm phát động, vận động xã hội chung tay với những cách thức sáng tạo, minh bạch, nâng cao độ tin cậy và tạo được sự quy tụ. Ở đây còn có nét đáng chú ý trong việc các đoàn thể, địa phương bám sát phong trào hỗ trợ được dấy lên mạnh mẽ trong xã hội để có những bước triển khai, lồng ghép, điều phối phù hợp hoàn cảnh…
Đó đều là những đúc kết quý giá trong thực tiễn phòng, chống bão lũ đã chứng minh được tác dụng và cần phát huy sáng tạo trong thời gian tới nếu bão lũ tiếp tục tiến công. Chính nhờ một phần rút kinh nghiệm ngay từ đây nên vừa qua, khi bão số 4 và áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu của bão gây ảnh hưởng một số địa bàn Bắc Trung Bộ, việc dự báo, di chuyển dân, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng chống đỡ được triển khai có trách nhiệm, đã giảm được thiệt hại.
Nhưng cũng cần nhận thấy, nếu còn thiếu sự rà soát triệt để và vận động quyết liệt thì vẫn có những trường hợp người dân không kịp thời nắm bắt được thông tin hoặc chưa kịp thực hiện theo chỉ đạo, phối hợp của các cơ quan chức năng, chưa ý thức được mức độ tàn phá của bão lũ nên đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó, trong các giai đoạn khắc phục và hỗ trợ, nếu chậm trễ, lâu hoặc không xử lý gọn, sạch thì hậu quả, ảnh hưởng sẽ kéo dài hơn. Thí dụ như những bất cập tồn tại trong việc xử lý cây xanh đô thị bị gãy đổ hàng loạt; trong việc nhiều người dân vẫn phải di tản lâu. Ngoài ra, một số bất cập trong việc các cơ quan chức năng địa phương cung cấp thông tin, điều phối hoạt động cứu trợ sẽ dẫn đến ùn ứ, không đều, chưa kịp thời trong việc phân bổ hàng hóa, thiết bị, gây hỏng, lãng phí và cũng làm chậm lại công tác khắc phục trên một số địa bàn.
Đó đều là những kinh nghiệm quý trên nhiều mặt hoạt động phòng, tránh, chống, khắc phục hậu quả bão lũ và cứu trợ, hỗ trợ đồng bào. Việc dọn dẹp, cứu chữa, ổn định đời sống, phục hồi sản xuất trong hiện tại và thời gian tới sẽ còn kéo dài. Hơn ai hết, các lực lượng, đơn vị chức năng, chính quyền địa phương và các đoàn thể, cần vận dụng sáng tạo và hiệu quả những bài học quý này.