Tạo những đột phá cho phát triển

Sáng 20/10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII. Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đánh giá: "Với thế và lực đã tích lũy được, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh".

Để đạt được mục tiêu này, Hội nghị Trung ương 10 đã thống nhất quyết tâm chính trị, những đột phá chiến lược, phương hướng, giải pháp chiến lược với tư duy, nhận thức mới để tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị là lan tỏa mạnh mẽ tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Nghĩa là khi ấy, các bộ, ngành tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định với tinh thần tháo gỡ triệt để điểm nghẽn, rào cản, cải cách triệt để thủ tục hành chính, mở rộng không gian phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Các địa phương đánh giá thấu đáo khả năng tự chủ để đề xuất cụ thể việc phân cấp, phân quyền, bảo đảm đáp ứng cao nhất yêu cầu của thực tiễn phát triển. Có thể thấy, thực tế tới đây đòi hỏi các bộ, ban, ngành phải tiếp tục cụ thể hóa, rõ ràng những vấn đề thuộc thẩm quyền, có những hướng dẫn rất cụ thể để địa phương chủ động, mạnh dạn làm, mạnh dạn quyết định.

Theo các chuyên gia phân tích, từ một chủ trương, phải trải qua một giai đoạn hiện thực hóa, luật hóa, điển hình hóa. Thời gian qua, những văn bản về vấn đề này đã có rất nhiều. Dưới sự chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, việc điển hình hóa, cụ thể hóa sẽ được tiến hành nhanh hơn.

Khi có đầy đủ những quy định cụ thể thì các địa phương có thể mạnh dạn hơn, chủ động hơn trong thực hiện thẩm quyền ở tất cả mọi lĩnh vực. Như câu chuyện phân cấp, phân quyền cần phải được thực thi một cách mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa, bởi đây là phương thức quản lý nhà nước hiện đại và phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Và như thế, đây sẽ là một trong những "chìa khóa" nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nội lực cho phát triển mà nhiều địa phương đang gặp phải.