Chống lãng phí từ gốc

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn chúng ta: “Tham ô có hại; nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…”; “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00

Có khi tai hại hơn nạn tham ô”. Những lời căn dặn của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Có thể thấy rằng tại không ít nơi hiện nay sự lãng phí vẫn đang hiển hiện hằng ngày, hằng giờ ngay trước mặt chúng ta, từ lãng phí trong sử dụng tài nguyên, lãng phí sử dụng con người cho đến lãng phí trong cơ chế, chính sách… Có một số thời điểm, một số nơi vẫn chưa có phương cách hữu hiệu, xử lý tận gốc của vấn đề.

Có người cho rằng cần xây dựng một thứ văn hóa thực hành chống lãng phí, thực hiện sâu rộng trong xã hội. Một số khác lại cho rằng cần thể chế hóa chống lãng phí… Xét trên góc nhìn từ nhiều phía, những quan điểm trên đều có lý do thuyết phục riêng. Bất cứ vấn đề nào muốn giải quyết triệt để cũng cần bắt đầu từ những nguyên nhân căn bản, gốc rễ. Một xã hội, nhà nước hay một thể chế chính trị nào cũng được xây dựng dựa trên hạt nhân là con người. Hiểu theo một cách đúng đắn nhất, con người được coi là chủ thể trong việc sử dụng các nguồn lực khác. Cụ thể trong bộ máy nhà nước ta là đội ngũ cán bộ.

Chẳng hạn trong vấn đề nguồn nhân lực, về những bất cập, tồn tại trong đội ngũ cán bộ, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ ra: “Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, đội ngũ cán bộ của ta hiện nay đông nhưng chưa thật mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc; bố trí cán bộ không đúng chỗ, không đúng chuyên môn, sở trường...”.

Để không bị lãng phí, dùng cán bộ đúng chỗ, đúng việc, cần hoàn thiện hơn nữa cơ chế trọng dụng nhân tài. Với một số lĩnh vực trình độ được đánh giá bằng khả năng chuyên môn. Nhưng đối với một số khác như quản lý, lãnh đạo cấp cao, trình độ lại được đo bằng kinh nghiệm, tích lũy theo năm tháng. Nói theo lối dân gian “Gừng càng già, càng cay”. “Dụng nhân như dụng mộc”, đôi khi còn có thể cho nhiều việc, nhiều nhiệm vụ. Sức lao động, sự cống hiến cho đất nước đã đến lúc cần được các cấp có thẩm quyền sử dụng cán bộ nghiên cứu, xem xét để sử dụng sao cho mọi nguồn lực cán bộ đều được sử dụng đúng nghề, đúng ngành, góp phần đóng góp tốt nhất cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Kỷ nguyên mới của quá trình phát triển đất nước cần những kết quả vượt trội, những cách làm mới, tư duy mới dựa trên ý Đảng và lòng dân. Đây được coi là thời điểm then chốt để chúng ta có những đột phá trong đổi mới sáng tạo, trong cách nghĩ, cách làm. Giảm lãng phí từ những việc nhỏ nhất hằng ngày cũng là tạo sự bứt phá của ngày hôm nay để làm nền tảng cho xã hội thịnh vượng ngày mai.