Quan tâm đào tạo từ gốc

Trong buổi thảo luận tại tổ ở Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 9/11 vừa qua bàn về dự án Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, giáo dục và đào tạo có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ. Trong công tác cán bộ, đào tạo cán bộ là quan trọng, đã nói tới đào tạo là phải có thầy. Tổng Bí thư khẳng định: “Đây là đột phá quốc gia và là trọng tâm. Trong đào tạo người thầy rất quan trọng, muốn giáo dục phát triển được đầu tiên phải có thầy, có trường”.
0:00 / 0:00
0:00

Có thể thấy rằng đây là một quan điểm đột phá trong xây dựng một nền giáo dục ở thời kỳ mới. Từ quan điểm này, có lẽ việc thay đổi cách nhìn về người thầy sẽ được cụ thể hóa một cách nghiêm túc. Ý thức “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” như trước đây đã trở nên lỗi thời. Từ đó, chất lượng nguồn cung giáo viên cho ngành sư phạm cũng đã được cải thiện.

Dự thảo dự án Luật Nhà giáo sẽ được đưa ra để Quốc hội thông qua, trong đó có đề xuất giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các quy định nêu trên nhằm tăng cường vai trò chủ trì của các cơ quan quản lý giáo dục trong công tác quản lý nhà nước về nhà giáo, nhằm giúp ngành giáo dục có sự chủ động trong quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo. Điều này phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Định hướng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng một nền giáo dục phát triển tập trung vào đầu tàu chính là những nhà giáo, những người thầy, cũng là vun đắp cái gốc, cái nền móng vững bền cho tương lai của đất nước, cho sự phát triển bền vững về con người - chủ thể của mỗi quốc gia.