Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra với số lượng rất lớn các dự thảo luật được bàn bạc, thông qua, cùng với khối lượng nội dung rất nhiều, cần được các đại biểu, cơ quan liên quan thảo luận, cho ý kiến giải đáp.
0:00 / 0:00
0:00

Có thể thấy được không khí sôi nổi những ngày qua trên nghị trường khi mỗi dự thảo nhận được nhiều ý kiến hoặc đồng thuận, hoặc còn băn khoăn, nhưng đều trên mong muốn sau khi thông qua, luật sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả trong đời sống.

Đây cũng là một trong những thực tế ngày càng nổi bật hơn trong hoạt động xây dựng luật ở các kỳ họp Quốc hội, khi không khí đời sống xã hội được phản ánh trong nghị trường, được các đại biểu Quốc hội nắm bắt, truyền tải, nêu lên nhiều suy ngẫm, cho ý kiến căn cứ từ thực tiễn nóng hổi. Điều này cũng chứng minh sự bắt nhịp, song hành và linh hoạt của cơ quan chức năng trong việc xây dựng, thông qua, ban hành các quy định luật pháp. Một dự thảo luật khó có thể trọn vẹn, hoàn thiện ngay từ đầu, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế-xã hội phát triển, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến chuyển nhanh chóng, nảy sinh nhiều hiện tượng, vấn đề mới. Thực tiễn thời gian qua đã cho thấy, công tác lập pháp của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn, ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Thực tiễn đời sống và việc chủ động điều chỉnh trong hoạt động lập pháp của Quốc hội để thích ứng và ngày càng sát sao, hiệu quả tiếp tục đặt ra những nỗ lực có tính cải tiến hơn nữa trong việc soạn thảo và ban hành các quy định luật pháp. Thời gian qua, việc soạn thảo các dự thảo luật hay dự thảo sửa đổi, bổ sung luật đã được các cơ quan, bộ, ngành, viện nghiên cứu tham gia thực hiện, phản biện. Các dự thảo sau khi xây dựng, được đăng tải rộng rãi để đón nhận ý kiến người dân. Cùng với đó, được thảo luận kỹ ở các tổ, trong các đoàn đại biểu Quốc hội, trên nghị trường. Từ đây cho thấy, có thể phát huy mối quan tâm sâu rộng hơn trong xã hội bằng việc thông tin rộng rãi về những kết quả trao đổi, thảo luận trong mỗi kỳ họp trên nghị trường. Qua đó đón nhận thêm nhiều góp ý, gợi mở trong nhân dân, cũng như ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội. Rộng hơn, cũng chính từ thực tiễn mà vấn đề xây dựng, sửa đổi, bổ sung luật ngày càng được đòi hỏi nhiều hơn. Như thế càng cần đẩy nhanh quy trình, tiến độ sửa luật, cũng như thúc đẩy cơ chế đóng góp ý kiến rộng rãi, thường xuyên của xã hội với công tác này của Quốc hội.

Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề chung, vấn đề có tính nguyên tắc. Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, tạo đột phá phát triển đất nước...